Kế hoạch Hành động AI của Mỹ: Củng cố vị trí dẫn đầu trong cuộc đua về AI?

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố 'Kế hoạch Hành động AI của nước Mỹ' (America's AI Action Plan), một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm đưa Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Giới quan sát đánh giá đây là chiến lược có thể định hình lại trật tự công nghệ toàn cầu trong thập kỷ tới, song cũng làm dấy lên những lo ngại về mức độ kiểm soát, đạo đức và hệ lụy xã hội.

Ba trụ cột chính sách

Kế hoạch bao gồm ba trụ cột và hơn 90 hành động chính sách, trải dài từ phát triển hạ tầng, thúc đẩy đổi mới đến thiết lập vai trò dẫn dắt trong ngoại giao AI toàn cầu.

Cụ thể, trụ cột đầu tiên là thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực AI thông qua việc đơn giản hóa các quy định liên bang mà chính quyền cho rằng đang cản trở phát triển công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực dữ liệu, môi trường và quy chuẩn đạo đức công nghệ. Chính phủ liên bang sẽ xây dựng các bộ dữ liệu “sẵn sàng cho AI” (AI-ready datasets), mở rộng tài trợ cho các chương trình đào tạo kỹ năng mới và nghiên cứu AI, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị thượng đỉnh AI "Chiến thắng trong cuộc đua AI" ngày 23/7. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị thượng đỉnh AI "Chiến thắng trong cuộc đua AI" ngày 23/7. Ảnh: AFP/Getty Images

Trụ cột thứ hai, kêu gọi đẩy nhanh xây dựng trung tâm dữ liệu, nhà máy chip và hệ thống điện năng phục vụ AI. Chính quyền Trump cam kết rút ngắn quy trình cấp phép xây dựng và nới lỏng một số quy định môi trường để hỗ trợ việc phát triển hạ tầng công nghệ. Ngoài ra, một Trung tâm Chia sẻ và Phân tích thông tin AI (AI-ISAC) sẽ được thành lập, giúp chính phủ và doanh nghiệp chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh AI và bảo vệ hệ thống hạ tầng trọng yếu.

Trụ cột thứ ba, Mỹ dự kiến tăng cường hợp tác công nghệ với các đồng minh thông qua việc xuất khẩu trọn bộ gói “AI stack”, bao gồm phần cứng, phần mềm và mô hình huấn luyện. Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đề xuất thiết lập một tiêu chuẩn liên bang duy nhất về AI nhằm tránh tình trạng phân mảnh chính sách giữa các bang.

Bộ Nguyên tắc AI không định hướng

Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy đổi mới, kế hoạch này còn đi kèm với một sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả các hệ thống AI được sử dụng trong các cơ quan liên bang phải tuân thủ một bộ “Nguyên tắc AI không định hướng” (Unbiased AI Principles). Theo đó, chỉ những mô hình AI đáp ứng các tiêu chí nhất định mới đủ điều kiện để được lựa chọn và triển khai trong các dự án của chính phủ.

Hai tiêu chí cốt lõi được đưa ra gồm: tính trung thực - yêu cầu các hệ thống AI phải cung cấp thông tin chính xác, có thể kiểm chứng, và thừa nhận khi không đủ dữ liệu hoặc có mâu thuẫn trong nguồn thông tin; và tính trung lập về ý thức hệ - nghĩa là các mô hình không được phản ánh các quan điểm chính trị, xã hội cụ thể, đặc biệt là những nội dung liên quan đến các khái niệm như đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI), lý thuyết chủng tộc phê phán hay thiên kiến vô thức, trừ khi được người dùng yêu cầu rõ ràng.

Chính quyền Tổng thống Trump cho biết mục tiêu của quy định này là bảo đảm các hệ thống AI do chính phủ sử dụng “trung lập về chính trị và không lồng ghép chương trình tư tưởng”, từ đó tăng cường độ tin cậy và tính khách quan của công nghệ trong hoạt động công vụ.

Cơ hội mới từ chính sách nới lỏng

Giới chuyên gia nhận định, Kế hoạch Hành động AI của chính quyền Tổng thống Trump đánh dấu một bước chuyển rõ nét trong định hướng chính sách công nghệ tại Mỹ, ưu tiên tăng trưởng và đổi mới. Với việc kêu gọi loại bỏ những quy định bị xem là "cản trở phát triển", kế hoạch này tạo điều kiện cho một môi trường pháp lý linh hoạt hơn, đặc biệt thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, các công ty có thể xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển sản phẩm và mở rộng xuất khẩu với ít rào cản hành chính hơn.

Ngay sau khi kế hoạch này được công bố, các tập đoàn lớn như Nvidia, Microsoft, Amazon Web Services và Google đã bày tỏ sự ủng hộ với nhiều tuyên bố đầu tư mở rộng trung tâm dữ liệu và phát triển chip AI nội địa; đồng thời khẳng định đây là “bước tiến quyết liệt” giúp Mỹ củng cố lợi thế trong cuộc đua AI toàn cầu.

Một số nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon gọi đây là "tín hiệu tích cực rõ ràng" cho môi trường đầu tư công nghệ trong nhiệm kỳ của ông Trump. Giám đốc cấp cao phụ trách công nghệ tại Google James Manyika đánh giá cao quyết định của Chính phủ trong việc hỗ trợ cấp phép nhanh hạ tầng dữ liệu và giảm bớt rào cản, qua đó giúp Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ AI toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính sách cho phép xuất khẩu trọn bộ "AI Stack", được xem là công cụ gia tăng ảnh hưởng công nghệ Mỹ tại các thị trường đang phát triển.

Theo Nhà Trắng, kế hoạch được xây dựng nhằm “giữ vững vai trò số một của nước Mỹ trong cuộc cách mạng AI”, đồng thời phản ứng trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ này tại các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Hơn nữa, việc Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ AI trong khuôn khổ chiến lược ngoại giao “AI-first” được giới phân tích đánh giá là nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng công nghệ từ Trung Quốc tại các nước đang phát triển. Bắc Kinh hiện cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực AI thông qua chương trình “Made in China 2030”, với các khoản hỗ trợ tài chính lớn cho nghiên cứu, hạ tầng và xuất khẩu mô hình AI. Cạnh tranh công nghệ được cho là sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung trong thập kỷ tới.

Rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù giới công nghệ ca ngợi động thái mới này là “bứt phá”, song một số nội dung trong kế hoạch cũng đã làm dấy lên lo ngại từ các tổ chức môi trường và giới quan sát chính sách lao động.

Cụ thể, việc nới lỏng các quy định về môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng hạ tầng AI bao gồm trung tâm dữ liệu và nhà máy sản xuất vi mạch, bị chỉ trích là đi ngược với các cam kết bảo vệ khí hậu. Chính sách cho phép thành lập các nhà máy năng lượng riêng để phục vụ AI cũng được cho là có thể kích hoạt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính nếu không đi kèm các tiêu chuẩn giám sát nghiêm ngặt.

Hơn nữa, việc loại bỏ các tiêu chuẩn về kiểm duyệt nội dung, đạo đức trong thiết kế và triển khai AI bị xem là “bật đèn xanh” cho các hệ thống thuật toán thiếu minh bạch, dễ sai lệch hoặc gây nguy cơ rò rỉ dữ liệu. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đạo đức AI (DAIR Institute) Timnit Gebru, cảnh báo: “Nếu thiếu khung đạo đức, AI sẽ trở thành công cụ vô chủ, thậm chí bị khai thác để thao túng xã hội hoặc tạo phân biệt đối xử quy mô lớn.”

Ở khía cạnh lao động, dù Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng AI “sẽ hỗ trợ chứ không thay thế việc làm của người Mỹ”, song nhiều chuyên gia cảnh báo rằng làn sóng tự động hóa có thể ảnh hưởng đáng kể tới thị trường lao động, nếu không được đi kèm với các chính sách bảo vệ và đào tạo lại lực lượng lao động. Theo The Washington Post, việc thiếu cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đầu tư cho giáo dục kỹ năng mới có thể khiến người lao động phổ thông dễ bị tổn thương trong giai đoạn AI phát triển mạnh mẽ

Một điểm gây tranh cãi khác là sắc lệnh khuyến khích cắt tài trợ liên bang đối với những bang có luật quản lý AI được cho là “gây trở ngại đổi mới”. Nhiều thống đốc tại các bang như California, New York, Massachusetts đã lên tiếng phản đối, cho rằng chính sách này có thể chia rẽ nước Mỹ về mặt pháp lý, tạo ra mảnh ghép AI không đồng bộ giữa các bang.

Bước tiến quyết đoán, nhưng cần thận trọng

Kế hoạch Hành động AI đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của chính sách công nghệ Mỹ với định hướng tập trung vào phát triển hạ tầng, mở rộng xuất khẩu và củng cố vị thế toàn cầu. Tuy nhiên, sự thành công lâu dài của kế hoạch sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa đổi mới và quản trị rủi ro, giữa lợi ích kinh tế và các giá trị đạo đức - xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng, chính quyền cần xây dựng các chính sách kiểm soát đồng bộ nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến bất ổn xã hội và sự suy giảm niềm tin vào công nghệ. Chủ tịch Eurasia Group Ian Bremmer nhận định: “Kế hoạch AI của ông Trump là một cuộc đánh cược chiến lược. Nếu thành công, Mỹ có thể củng cố vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI; nhưng nếu thất bại, hậu quả có thể vượt ngoài lĩnh vực công nghệ".

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ke-hoach-hanh-dong-ai-cua-my-cung-co-vi-tri-dan-dau-trong-cuoc-dua-ve-ai-10381091.html
Zalo