Kê đơn thuốc kéo dài tới 3 tháng, người bệnh được lợi

Triển khai Thông tư 26 của Bộ Y tế, nhiều người bệnh vui mừng vì được cấp thuốc tới 3 tháng, đỡ mệt mỏi đi khám lấy thuốc BHYT hàng tháng.

Bệnh nhân đi khám định kỳ tại Bệnh viện K.

Bệnh nhân đi khám định kỳ tại Bệnh viện K.

Giảm áp lực đến bệnh viện hàng tháng

Những ngày đầu tháng 7, nhiều bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện K nhận được “tin vui” về việc sẽ không phải đến viện hàng tháng lấy thuốc nữa, mà tận 3 tháng sau mới phải quay lại.

Bị ung thư vú giai đoạn 2, thể nội tiết, đã được điều trị ổn định từ năm 2024, đều đặn hàng tháng, bệnh nhân L.T.T (ở Hải Phòng) phải mất cả ngày đi từ quê lên Bệnh viện K để lấy thuốc dù lịch tái khám của chị là 3 tháng/lần.

Chị T. chia sẻ: “Từ cuối 2024, tôi được điều trị ổn định và chỉ tái khám định kỳ. Theo lịch, cứ mỗi 3 tháng tôi phải quay lại viện để tái khám. Tuy nhiên, thuốc điều trị theo bảo hiểm y tế (BHYT) lại cấp theo từng tháng. Mỗi tháng tôi phải xin nghỉ 1 ngày đi lấy thuốc, bệnh nhân đông, xếp hàng rất vất vả, mệt mỏi nhưng quy định như thế nên vẫn phải đến đúng ngày mới được lấy thuốc”.

Tuy nhiên theo chị T., lần đi khám vào đầu tháng 7 này, được bác sĩ thông báo về việc sẽ được cấp phát thuốc 3 tháng một lần theo quy định mới, chị rất phấn khởi.

“Bệnh nhân chúng tôi rất mừng vì chính sách mới của Bộ Y tế. Đây là sự hỗ trợ rất lớn đối với người bệnh, vì đa số chúng tôi ở xa bệnh viện, chỉ đi lại lấy thuốc cũng đã rất vất vả; chưa kể tốn kém chi phí đi lại, ăn uống. Từ giờ tôi không còn phải lo lắng việc đi lấy thuốc hàng tháng nữa”, chị T. chia sẻ.

Cũng phấn khởi, vui mừng khi biết bệnh của mình được cấp thuốc dài ngày, chị N.T. M. (ở Tuyên Quang) cho biết: “Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ cấp thuốc cho bệnh nhân được tới 3 tháng, tôi rất bất ngờ và cảm thấy rất mừng. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của người bệnh chúng tôi từ rất lâu; nhất là những người ở các tỉnh xa, không có nhiều điều kiện, thời gian để đi lại khám bệnh. Chính sách mới này người bệnh chúng tôi rất ủng hộ để giảm bớt áp lực về đi lại, chi phí cho người bệnh mỗi lần phải di chuyển đi lấy thuốc”.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 26 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong đó có quy định các bệnh được phép kê đơn thuốc kéo dài tới 90 ngày.

Tại Bệnh viện K, ngay từ ngày 1/7, Bệnh viện đã triển khai ngay Thông tư mới này.

Tuy nhiên, không phải mặt bệnh nào, hoặc bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng việc kê đơn thuốc dài ngày. Đại diện khoa Ung bướu của một bệnh viện tuyến trung ương cho biết, tại đây chưa áp dụng việc kê đơn thuốc dài ngày theo Thông tư 26 vì khoa có nhiều bệnh nhân mắc ung thư và một số bệnh phối hợp. Hiện nhiều bệnh nhân ung thư chỉ được cấp thuốc 1-2 tuần đến 1 tháng vì phải theo dõi tình trạng người bệnh. Thời gian cấp thuốc bác sĩ phải căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, mức độ đáp ứng thuốc… của người bệnh.

Đại diện Bệnh viện K cho biết: Thông tư 26 là sự thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cả cho các cán bộ nhân viên, y bác sĩ. Người bệnh có thể giảm bớt thời gian đi lại để lấy thuốc, tiết kiệm chi phí lớn. Đồng thời các cán bộ, nhân viên y tế và bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh.

Theo đại diện Bệnh viện K, Thông tư 26 được đánh giá đã tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần chuẩn hóa quy trình kê đơn, nâng cao trách nhiệm của người hành nghề y và bảo vệ quyền lợi của người bệnh. Quy định mới giúp nâng cao chất lượng điều trị khi giúp người bệnh được tiếp cận với phác đồ điều trị chuẩn xác, giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách; minh bạch hóa công tác khám chữa bệnh giúp quản lý chặt chẽ hơn quy trình kê đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát; đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người bệnhkhi họ được tư vấn đầy đủ thông tin về thuốc và điều trị…

Đặc biệt, việc áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo quy định mới không chỉ nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế mà còn giảm bớt được áp lực của bệnh nhân khi tới khám chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, nhất là với những bệnh nhân sinh sống tại các tỉnh thành xa thành phố Hà Nội.

Không phải bệnh nào cũng áp dụng

Trong giai đoạn giãn cách vì dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã từng cho phép cấp thuốc 3 tháng khi bệnh nhân không thể đến bệnh viện thường xuyên. Kết quả cho thấy việc này đem lại nhiều thuận lợi như giảm gánh nặng cho cơ sở y tế, giảm thời gian và chi phí đi lại của người bệnh, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Để cân nhắc xây dựng danh mục bệnh mạn tính có thể kê đơn dài ngày và thời gian kê đơn thuốc kéo dài bao lâu; bên cạnh việc thuận tiện cho người bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm tải cho bệnh viện, Bộ Y tế phải đặt an toàn cho người bệnh ưu tiên trên hết. Việc kéo dài thời gian kê đơn là vấn đề phải rất cẩn trọng, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người bệnh. Vì vậy, không phải cứ bệnh nào trong danh mục là được mặc định kê đơn 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để quyết định kê đơn bao nhiêu ngày.

Thông tư mới cũng quy định rõ: Người kê đơn căn cứ vào chẩn đoán bệnh và tình trạng người bệnh để quyết định số lượng thuốc được kê, số ngày sử dụng của mỗi loại thuốc trong đơn, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Số ngày cấp thuốc sẽ tùy từng trường hợp, có thể dao động từ 30-90 ngày.

Trong trường hợp người bệnh chưa sử dụng hết thuốc, hoặc bệnh có diễn biến bất thường giữa các lần cấp thuốc, hoặc không thể đến tái khám đúng hẹn, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám lại và điều chỉnh điều trị.

“Người dân không nên hiểu lầm cho rằng cứ bệnh nằm trong danh mục là được mặc định cấp thuốc dài ngày mà còn tùy thuộc tình trạng người bệnh. Mỗi bác sĩ cũng phải chịu trách nhiệm cho từng đơn thuốc và phải lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà”, ông Vương Ánh Dương cho biết.

Theo đó, việc kéo dài thời gian kê đơn chỉ áp dụng với các bệnh mạn tính ổn định, có phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn, ít tác dụng phụ nghiêm trọng, không cần phải xét nghiệm hoặc theo dõi liên tục. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, y bác sĩ vẫn cần đảm bảo nguyên tắc an toàn điều trị, tránh lạm dụng thuốc hoặc để người bệnh gặp biến chứng mà không được phát hiện kịp thời. Người dân cũng cần được bác sĩ hướng dẫn để tự theo dõi và phát hiện sớm những tác dụng phụ của thuốc (nếu có) và theo dõi sức khỏe, uống thuốc theo hướng dẫn… để bệnh không chuyển nặng.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ke-don-thuoc-keo-dai-toi-3-thang-nguoi-benh-duoc-loi-20250704165642898.htm
Zalo