Kể chuyện Việt Nam bằng điện ảnh

Từ thảm đỏ lộng lẫy đến những buổi chiếu ngoài trời chan hòa nắng biển, từ những cái bắt tay giữa các nhà làm phim đến tiếng vỗ tay không ngớt sau mỗi tác phẩm, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) là nơi điện ảnh trở thành nhịp cầu quảng bá văn hóa, nơi hình ảnh Việt Nam lan tỏa ấn tượng, đầy bản sắc.

Giám đốc Liên hoan phim, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan phát biểu trong buổi công chiếu phim Love in Vietnam trong khuôn khổ DANAFF III, ngày 1/7. (Ảnh: Diệu Linh)

Giám đốc Liên hoan phim, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan phát biểu trong buổi công chiếu phim Love in Vietnam trong khuôn khổ DANAFF III, ngày 1/7. (Ảnh: Diệu Linh)

Nếm trải bảy ngày sôi động cùng sắc màu nghệ thuật và những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, tôi cảm thấy thật may mắn và phấn khích khi vừa trải nghiệm điện ảnh quốc tế chuyên sâu vừa mở mang tầm nhìn. DANAFF III minh chứng sức mạnh hội tụ của điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè thế giới, đồng thời góp phần khẳng định vị thế Đà Nẵng trên bản đồ văn hóa sáng tạo khu vực.

Cuộc chơi có bản sắc

Từ lễ khai mạc rực rỡ đến buổi bế mạc lắng đọng, với thảm đỏ quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng và những suất chiếu ngoài trời như không gian điện ảnh mở, những buổi giao lưu nghệ sĩ với khán giả, DANAFF III hiện lên không những là một sân chơi nghệ thuật mà còn là nơi văn hóa Việt lan tỏa một cách tự nhiên, đầy sức sống.

Điểm nhấn rõ nét nhất là buổi ra mắt bộ phim Love in Vietnam sự kiện đánh dấu một chương mới trong hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ajungla Jamir gọi bộ phim là “dự án hợp tác đầu tiên giữa hai nền văn hóa giàu bản sắc”. Trong khi đó, nam diễn viên chính Shantanu Maheshwari thì không giấu sự xúc động: “Mọi thứ ở đây đều rất đẹp. Tôi muốn trở lại Việt Nam”.

Không khí quốc tế của DANAFF III được khẳng định qua sự góp mặt của 106 bộ phim, trong đó có 11 phim châu Á lần đầu ra mắt quốc tế tại Đà Nẵng. Đạo diễn Hàn Quốc Jang Joon-hwan, Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục phim châu Á đánh giá cao chất lượng tác phẩm và sự phát triển nhanh chóng của DANAFF. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cũng bày tỏ sự ấn tượng với cách tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và đặc biệt là tiềm năng vươn tầm của điện ảnh Việt. Ông đã xem phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối và nhận xét rằng “nếu các bộ phim Việt Nam đều đạt đến chất lượng điện ảnh như vậy, thì điện ảnh Việt Nam có một tương lai rất rộng mở”.

DANAFF không đi theo mô hình của các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin hay Busan, mà lựa chọn một hướng đi riêng: Tập trung vào điện ảnh châu Á và tôn vinh cả dòng phim nghệ thuật lẫn phim thương mại chỉn chu, được khán giả yêu thích.

Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF Ngô Phương Lan khẳng định, đây là “một cuộc chơi công tâm, phi lợi nhuận và mang tính công ích cao dành cho người công chúng yêu điện ảnh”. Với hai hạng mục tranh giải chính: Phim châu Á và Phim Việt Nam, DANAFF đóng vai trò như một “mỏ neo” giữ gìn những chuẩn mực nghề nghiệp trong bối cảnh điện ảnh trong nước ngày càng chú trọng đến doanh thu phòng vé. Có lẽ, chính sự “phi lợi nhuận” ấy lại là nét đẹp tạo nên bản sắc của DANAFF - nơi điện ảnh được chia sẻ, trò chuyện và thưởng thức trong không khí cởi mở, thân tình.

Thước đo sức mạnh mềm

Khung cảnh thơ mộng của thành phố biển, những suất chiếu miễn phí trong rạp và ngoài trời, mọi thứ đều được thiết kế để đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng. Sự gần gũi này hiếm có ở nhiều liên hoan phim khác và chính điều đó tạo nên bản sắc của DANAFF.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chia sẻ: “Ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Nẵng, nơi giao thoa của những ý tưởng và sáng tạo, nơi văn hóa sản sinh ra văn hóa. Chúng tôi thực sự cảm nhận được sự ấm cúng, chân tình như một gia đình”. Bên cạnh đó, bà đánh giá cao vai trò của Danaff III trong việc lan tỏa tài năng sáng tạo và cho rằng “Đà Nẵng đang thực sự tỏa sáng trên bản đồ điện ảnh thế giới”.

Trong các suất chiếu đông nghịt người xem, trong tiếng vỗ tay không ngớt sau mỗi buổi công chiếu, tôi cảm nhận một niềm tự hào: Người Việt đang tự tin kể câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh, vượt qua mọi ranh giới văn hóa.

Còn từ góc nhìn của người làm báo lần đầu dự một sự kiện điện ảnh quốc tế, tôi hiểu rằng điện ảnh không chỉ là nghệ thuật. Đó là nhịp cầu kết nối, là nơi những quốc gia, những con người, những giá trị tưởng như khác biệt được gặp gỡ và thấu hiểu nhau.

Tại các buổi hội thảo, chương trình ươm mầm tài năng, các cuộc trò chuyện giữa nhà làm phim, nghệ sĩ và báo giới, tôi chứng kiến điện ảnh vận hành như một công cụ ngoại giao văn hóa hiệu quả. Những cuộc gặp gỡ nhanh chóng dẫn đến ý tưởng hợp tác, những cái bắt tay giữa đạo diễn Việt và quốc tế mở ra triển vọng vươn xa cho phim Việt.

Bên cạnh đó, tại DANAFF III, nhiều nhà làm phim và nghệ sĩ quốc tế bày tỏ sự yêu mến với điện ảnh Việt. Nhiều người cho biết, trong những bộ phim Việt được trình chiếu, từ diễn xuất chân thực của diễn viên, đề tài gần gũi như gia đình, đến phong cách kể chuyện dung dị nhưng sâu sắc, điện ảnh Việt đang dần chinh phục bạn bè quốc tế bằng “chất” riêng của mình.

Diễn viên Hàn Quốc Park Sung Woong chia sẻ: “Ánh mắt của diễn viên Việt ánh lên cảm xúc của vai diễn. Họ diễn bằng trái tim”. Theo anh, Việt Nam đang bước vào “thời kỳ hoàng kim” tương tự Hàn Quốc những năm 1990 và hoàn toàn có thể trở thành “con hổ châu Á” của ngành điện ảnh nếu giữ vững đà phát triển này.

Phó Chủ tịch Mạng lưới xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC)Eduardo Lejarno Jr. nhận xét: “Việt Nam có nhiều đạo diễn trẻ giàu tiềm năng. Một số phim dòng chính vừa hấp dẫn khán giả, vừa có chiều sâu nghệ thuật, đó là cơ hội để bứt phá”. Về địa danh đăng cai DANAFF III, theo ông, “có tất cả yếu tố cần thiết để tổ chức liên hoan phim quốc tế, từ bãi biển, rạp chiếu phim đến các điểm tham quan văn hóa. Mọi thứ đều gần nhau, tạo điều kiện lý tưởng để vừa tổ chức sự kiện, vừa quảng bá du lịch điện ảnh”.

Một câu nói của Chủ tịch Ban giám khảo phim Việt Nam, nhà sản xuất Nhật Bản Yuji Sadai khiến tôi suy ngẫm: “Điện ảnh thương mại Việt đã khẳng định được vị thế. Nhưng điện ảnh nghệ thuật vẫn cần được nuôi dưỡng để đi xa hơn”. Điều đó như lời nhắn gửi không chỉ cho người làm phim: Muốn vươn tầm, Việt Nam cần đầu tư dài hạn cho sáng tạo...

Diễn viên Lydia Park, giảng viên lớp diễn xuất, cùng học viên hát ca khúc tiếng Việt Phép màu tại DANAFF III. (Ảnh: Diệu Linh)

Diễn viên Lydia Park, giảng viên lớp diễn xuất, cùng học viên hát ca khúc tiếng Việt Phép màu tại DANAFF III. (Ảnh: Diệu Linh)

Một góc nhìn khác

Không chỉ là thảm đỏ hay phòng chiếu, liên hoan phim còn đem tới những trải nghiệm mới mẻ cho người tham dự. Đó là những khoảnh khắc đời thường, khi diễn viên Moon So-ri (phim When Life Gives You Tangerines - Khi cuộc đời cho bạn quả quýt) chọn bánh xèo làm món ăn yêu thích, khi diễn viên Ji Seunghyun (phim Good Partner - Cộng sự hoàn hảo) tấm tắc khen cà phê dừa, hay khi nghệ sĩ quốc tế nói tiếng Việt “Tôi yêu Đà Nẵng” bằng tất cả sự hào hứng.

Còn với tôi, phóng viên lần đầu tác nghiệp tại một liên hoan phim quốc tế, là hành trình vượt giới hạn bản thân. Từ buổi sáng tất bật ghi hình sự kiện, đến tối về chọn ảnh, bóc băng dựng bài; từ những lần xông pha phỏng vấn diễn viên và đại biểu quốc tế, đến những lần rủ nhau trải nghiệm food-tour Đà Nẵng cùng đồng nghiệp, để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

Tôi từng nghĩ, đưa tin về điện ảnh là việc của những người “am hiểu chuyên sâu”, nhưng DANAFF đã cho tôi một bài học lớn: Đôi khi, chỉ cần trái tim cởi mở và đôi tai biết lắng nghe, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp từ chính những câu chuyện đời thường. Câu chuyện ấn tượng nhất với tôi, có lẽ là khi đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng kể lại thời sinh viên từng “đốt nhà” để làm phim. Nhà cháy chưa đạt cảnh, ông về xin vợ chiếc nhẫn cưới gia đình tặng để… “đốt tiếp”. Mọi người nghe xong thì cười nghiêng ngả: “May không cháy lan sang nhà chính mình!”. Qua lời kể, dí dỏm, những câu chuyện dở khóc dở cười ấy lại chứa đựng trọn vẹn sự tận tụy, tâm huyết với nghề.

Sau ba mùa tổ chức, một diện mạo riêng của liên hoan phim quốc tế dần được hình thành, không phô trương nhưng chuyên nghiệp, mang tinh thần quốc tế nhưng vẫn giữ trọn bản sắc Việt. Đây không chỉ là nơi hội tụ của nghệ thuật, mà còn là không gian kết nối cộng đồng, nơi các nền văn hóa châu Á gặp nhau trong tiếng cười, sự sẻ chia và khát vọng được cất lên tiếng nói riêng.

DANAFF III chính thức khép lại nhưng vẫn còn đó dư vị sâu đậm trong lòng công chúng. Không phải bởi sự hào nhoáng, mà bởi những giá trị bền bỉ, đó là tình yêu với điện ảnh, niềm tự hào về văn hóa dân tộc và niềm tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể kể câu chuyện của mình một cách thuyết phục trên sân khấu quốc tế.

Diệu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ke-chuyen-viet-nam-bang-dien-anh-321320.html
Zalo