Israel tìm cách củng cố lợi ích ở Syria trong giai đoạn chuyển giao chính trị
Nhóm nổi dậy hàng đầu Syria đã chỉ định một thủ tướng lâm thời để lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp. Nhiều quốc gia trong khu vực lên tiếng ủng hộ tiến trình chuyển tiếp ở Syria. Tuy nhiên Israel đã có một loạt hành vi vi phạm lãnh thổ Syria, làm dấy lên lo ngại quốc gia Trung Đông này tiếp tục trở thành địa bàn bị các thế lực bên ngoài củng cố lợi ích.
Cuộc sống ở thủ đô Damascus (Syria) đang dần trở lại bình thường. Các ngân hàng, cửa hàng mở cửa, giao thông trở lại trên đường, các tuyến phố được dọn dẹp. Ông Mohammad al-Bashir, một nhân vật ít tiếng tăm từng điều hành một chính quyền ở một vùng phía tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát, cho biết ông sẽ lãnh đạo chính quyền lâm thời cho đến ngày 1 tháng 3.
The Guardian dẫn nhiều nguồn tin cho biết, đại diện của các quốc gia láng giềng và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh được cho là đã tổ chức các cuộc họp với các quan chức nhóm nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (gọi tắt là HTS) và nhiều khả năng sẽ công nhận chính phủ chuyển tiếp trong những ngày tới. Trong một dấu hiệu nữa cho thấy, nước ngoài đã sẵn sàng hợp tác với nhóm nổi dậy nòng cốt của Syria HTS, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria Geir Pedersen đã hạ thấp việc chỉ định tổ chức này là một tổ chức khủng bố. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen, dự kiến sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế về tình hình vào cuối tuần này tại Geneva.
Tuy nhiên, tiếng súng chưa ngưng. Israel tuyên bố ý định thành lập một "khu vực phòng thủ tuyệt đối" bên trong biên giới phía Nam của Syria, với chiến dịch ném bom nhằm vào hải quân Syria, các địa điểm nghi chứa vũ khí hóa học và các tài sản quân sự khác. Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria cho biết họ đã ghi nhận hơn 300 cuộc không kích của Israel kể từ khi Tổng thống Bashar Al-Assad bị lật đổ cuối tuần trước. Israel thừa nhận đã tiến vào vùng đệm bên trong Syria nhưng bác bỏ việc tiến về thủ đô Damascus.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia ngay lập tức lên án hành động của Israel cho rằng việc này tạo ra một vấn đề an ninh cho chính quyền mới. Những nước này cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế và lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Syria là không thể chấp nhận được. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Israel "thể hiện tâm lý của kẻ chiếm đóng" vào thời điểm cơ hội hòa bình và ổn định đang mở ra cho Syria.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, Liên Hợp Quốc phản đối mọi hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Người phát ngôn Stephane Dujarric cho rằng hành vi xâm nhập của Israel cấu thành hành vi vi phạm thỏa thuận rút quân năm 1974 và kêu gọi cả Israel và Syria duy trì thỏa thuận này.
"Chúng tôi phản đối những kiểu tấn công này. Tôi nghĩ đây là bước ngoặt đối với Syria. Các nước láng giềng không nên lợi dụng điều này để xâm phạm lãnh thổ Syria", bà Dujarric nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari cũng nêu rõ: “Chúng ta có luật pháp quốc tế, có các thể chế quốc tế. Syria có sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đất đai của Syria phải được tôn trọng. Không thể chấp nhận bất kỳ bên nào, kể cả lực lượng chiếm đóng Israel, lợi dụng cơ hội này để chiếm đóng đất đai của một quốc gia có chủ quyền khác. Chủ quyền của Syria không được phép vi phạm vì bất kỳ lý do nào”.
Quân đội Israel hôm qua (11/12) khẳng định Israel không can thiệp vào Syria, ngoài việc thực hiện các bước để bảo vệ biên giới và ngăn chặn vũ khí chiến lược rơi vào tay kẻ thù. Người phát ngôn quân đội Israel cho biết lực lượng của nước này vẫn ở trong khu phi quân sự giữa Syria và Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, ngoại trừ "một vài điểm bổ sung" gần vùng đệm.
Cuộc nội chiến Syria đến nay đã giết chết 500.000 người và buộc một nửa dân số phải rời bỏ nhà cửa, hàng triệu người trong số họ phải tị nạn ở nước ngoài. Liên Hợp Quốc cho biết họ vẫn đang nhận được báo cáo nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo đã bị cướp bóc tại các kho của Liên Hợp Quốc và các kho thuộc Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria, bao gồm cả xung quanh thủ đô Damascus. Giới quan sát cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các nước láng giềng, các thỏa thuận chuyển tiếp ở Syria cần sự tham gia của nhiều bên càng tốt, gồm nhiều thành phần xã hội nhất có thể, nếu không khó tránh khỏi nguy cơ bùng nổ thêm xung đột.