Iran và châu Âu tìm cách phá bế tắc trước khi ông Trump nhậm chức
Iran đang tổ chức các cuộc đàm phán với Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) ở Geneva, Thụy Sĩ để tìm cách thoát khỏi bế tắc về chương trình hạt nhân của nước này.
Đây có thể là cơ hội cuối cùng để đạt đột phá trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ một lần nữa. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người theo đuổi chính sách gây sức ép kinh tế tối đa với Iran trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, sẽ trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025.
Theo Guardian, trước thềm các cuộc hội đàm, ông Kazem Gharibabadi - Thứ trưởng Ngoại giao của Iran, đã làm gia tăng căng thẳng khi nói EU nên từ bỏ hành vi ích kỷ và vô trách nhiệm của liên minh đối với một loạt vấn đề, gồm cả xung đột ở Ukraine và hạt nhân Iran.
Người châu Âu ngày càng thất vọng với cách tiếp cận của Iran, bao gồm cả việc nước này không hợp tác với cơ quan thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Một số người châu Âu lo ngại rằng kho dự trữ uranium đã được làm giàu ở mức độ cao, ngày càng lớn của Iran cho thấy nước này đang bí mật chế tạo bom hạt nhân.
Iran tin rằng châu Âu đã từ chối tín hiệu rõ ràng về thiện chí đàm phán khi Tehran đề nghị giới hạn chương trình làm giàu uranium ở mức 60% và cho phép các thanh tra viên hạt nhân giàu kinh nghiệm của IAEA quay trở lại Iran.
Hôm nay (29/11), phát biểu tại Paris, giám đốc tình báo đối ngoại của Pháp Nicolas Lerner cho biết, nguy cơ Iran phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ là "mối đe dọa nghiêm trọng" nhất trong những tháng tới. Theo quan chức này, tham vọng hạt nhân của Iran "tiếp tục đe dọa tất cả chúng ta" bất chấp việc các lực lượng dân quân đồng minh của Tehran trên khắp Trung Đông bị tấn công trong những tháng gần đây.
Mục đích của cuộc họp Geneva là xem xét liệu có cơ sở nào để triển khai lời đề nghị của Iran hay không, cũng như tìm cách hạn chế điều mà phương Tây cho là sự hợp tác quân sự giữa Iran và Nga. Đổi lại, EU có thể cố gắng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế, nhưng thời gian còn lại rất ngắn trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Iran khẳng định rằng không cung cấp bất kỳ tên lửa đạn đạo nào cho Nga, song Mỹ không chấp nhận.
Theo các tài khoản trao đổi được hai bên đưa ra, trong cuộc họp giữa ông Gharibabadi và nhà đàm phán chính của EU Enrique Mora, hai bên có rất ít điểm chung.