Indonesia thúc đẩy Apple mở rộng đầu tư tại quốc gia này

Chính phủ Indonesia kỳ vọng Apple sẽ đầu tư 100 triệu USD theo đề xuất vào nước này khi Apple đang tìm kiếm sự chấp thuận để bán những chiếc điện thoại mẫu mới nhất của mình.

Do mẫu điện thoại thông minh mới nhất của Apple chưa đáp ứng được yêu cầu về hàm lượng nội địa tối thiểu 40%, nên Apple chưa thể bán thiết bị tại Indonesia. Mục đích của lệnh cấm là để bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm địa phương. Do đó, các quan chức Indonesia đang yêu cầu Apple tăng cường đầu tư và cam kết với nền kinh tế để có thể tiếp cận nhiều hơn.

Theo báo cáo từ phương tiện truyền thông nhà nước Indonesia, Bộ Công nghiệp Indonesia đã gặp gỡ đại diện của Apple vào ngày 22/11 liên quan đến đề xuất đầu tư 100 triệu USD trong hai năm.

Theo báo cáo, số tiền này sẽ được chuyển cho một chương trình trung tâm nghiên cứu và phát triển và học viện phát triển chuyên môn tại Indonesia.

Công ty cũng có kế hoạch sản xuất các thành phần sản phẩm phụ kiện, cụ thể là lưới cho AirPods Max của Apple, bắt đầu từ tháng 7/2025.

Mặc dù đề nghị mới lớn hơn gấp 10 lần so với đề xuất được báo cáo trước đó, nhưng chính phủ vẫn đang nỗ lực làm cho thỏa thuận hấp dẫn hơn để có được cam kết "công bằng". Trước đó, Apple đã đề xuất đầu tư gần 10 triệu USD để sản xuất thêm hàng hóa tại Indonesia, trong nỗ lực nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán mẫu iPhone mới tại nước này.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Febri Hendri Antoni Arif trả lời trước phương tiện truyền thông nhà nước hôm thứ Năm (22/11) rằng: "Theo quan điểm của chính phủ, tất nhiên, chúng tôi muốn khoản đầu tư này lớn hơn".

Ông cho biết, khoản đầu tư lớn hơn sẽ giúp phát triển ngành sản xuất của Indonesia, và ngành công nghiệp trong nước có khả năng hỗ trợ sản xuất các thiết bị của Apple như bộ sạc và phụ kiện.

Theo Le Xuan Chiew, nhà phân tích của Canalys tập trung vào nghiên cứu chiến lược của Apple, mặc dù Indonesia là thị trường nhỏ đối với Apple, nhưng nước này cũng mang lại cơ hội tăng trưởng vì có dân số lớn thứ tư thế giới.

"Dân số trẻ, am hiểu công nghệ với trình độ hiểu biết về kỹ thuật số ngày càng tăng phù hợp với chiến lược mở rộng doanh số toàn cầu của Apple", ông nói và lưu ý thêm rằng nước này cũng mang lại tiềm năng sản xuất và lắp ráp hỗ trợ cho nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple.

Thành công trên thị trường này đòi hỏi phải có cách tiếp cận dài hạn và lời đề nghị đầu tư của Apple thể hiện cam kết tuân thủ các quy định của địa phương và mở đường cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã đưa ra các lệnh hạn chế nhập khẩu đối với hàng nghìn sản phẩm từ Macbook đến lốp xe và hóa chất để buộc các công ty nước ngoài phải mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng động thái này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả những công ty có sự hiện diện sản xuất lâu đời tại quốc gia này như LG Electronics, công ty này phàn nàn rằng họ không thể nhập khẩu một số linh kiện để sản xuất máy giặt và tivi.

Các động thái này là sự tiếp nối các biện pháp tương tự được sử dụng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joko Widodo. Năm ngoái, Indonesia đã chặn ByteDance của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ ngành bán lẻ khỏi hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất, điều này đã thúc đẩy TikTok đầu tư 1,5 tỷ USD vào một liên doanh với Tokopedia, nhánh thương mại điện tử của GoTo Group của Indonesia.

Được biết, hiện Apple không có bất kỳ nhà máy độc lập nào tại Indonesia và giống như hầu hết các công ty đa quốc gia, họ hợp tác với các nhà cung cấp tại địa phương để sản xuất linh kiện hoặc hàng hóa thành phẩm.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/indonesia-thuc-day-apple-mo-rong-dau-tu-tai-quoc-gia-nay-post358558.html
Zalo