Indonesia làm xấu sân chơi trẻ và sự chậm tiến của bóng đá Đông Nam Á

Indonesia làm xấu sân chơi trẻ và đó là một phần quen thuộc trong sự chậm tiến của bóng đá Đông Nam Á.

Bóng đá Đông Nam Á được xem là vùng trũng của thế giới bởi cách hành xử hay bị ngộ nhận cho rằng đó là văn hóa ảnh hưởng đến bóng đá.

Mới đây, rất nhiều bạn đọc không đồng tình với cách làm của chủ nhà Indonesia khi đẩy các cầu thủ trẻ U-16 là đối thủ của U-16 Indonesia như Việt Nam, Úc, Thái Lan, Malaysia... thi đấu những trận lúc 15 giờ dưới cái nóng 40 độ c. Họ hoàn toàn có thể điều chỉnh lùi khung giờ khắc nghiệt được nếu nghĩ đến cái chung và đến chất lượng của bóng đá trẻ Đông Nam Á mà Indonesia đăng cai. Thế nhưng làm khó cũng là một cách triệt đi sức mạnh, triệt đi nguồn thể lực của các đối thủ tạo điều kiện cho đội bóng của mình.

 Chủ nhà Indonesia đẩy lịch đấu bất lợi cho nhiều đội trẻ thi đấu trưa nắng 40 độ C trong khi chủ nhà Indonesia đá thời tiết mát lúc 19 giờ 30.

Chủ nhà Indonesia đẩy lịch đấu bất lợi cho nhiều đội trẻ thi đấu trưa nắng 40 độ C trong khi chủ nhà Indonesia đá thời tiết mát lúc 19 giờ 30.

 Cầu thủ U-16 Indonesia thi đấu lúc 19 giờ 30. Ảnh: AFC

Cầu thủ U-16 Indonesia thi đấu lúc 19 giờ 30. Ảnh: AFC

Xin được hỏi LĐBĐ Đông Nam Á tức AFF biết điều bất tiện và không công bằng đấy không? Thưa biết cả đấy nhưng vì chiều chủ nhà hoặc chính chủ nhà viện những lý do này nọ mà những người có chân trong AFF đã lơ đi theo kiểu “thông cảm vì họ là chủ nhà mà!”.

Kèn cựa nhau từng giải trẻ cỡ U-16 thì được gì nhất là thứ tiểu xảo đấy sẽ tiêm nhiễm vào đầu các cầu thủ còn độ tuổi đi học. Nếu như “tiểu tướng” Lamine Yamal qua tuổi 16 của Tây Ban Nha tham dự Euro 2024 mà tối vẫn phải thức làm bài tập ở khách sạn thì ở giải U-16 Đông Nam Á người lớn vẫn buộc các cầu thủ trẻ phải suy nghĩ và làm quen với sự bất công.

Ở Indonesia, HLV Trần Minh Chiến biết là để các cầu thủ trẻ ra sân dưới cái nóng 40 độ C là điều hết sức phi lý nhưng ông cũng chỉ biết động viên các học trò rằng “Các con cố gắng đi, họ làm khó thì mình vượt khó!”.

 Các cầu thủ U-16 Việt Nam phải thi đấu nhiều trận trong khung giờ nắng nóng 40 độ C. Ảnh: VFF

Các cầu thủ U-16 Việt Nam phải thi đấu nhiều trận trong khung giờ nắng nóng 40 độ C. Ảnh: VFF

Nhiều bạn đọc gửi bình luận và ý kiến rằng tại sao ta (VFF) là một thành viên của AFF, có quan chức làm to ở AFF nhưng sao không có ý kiến với sự bất hợp lý mà ai cũng thấy?

Cũng không khó để trả lời rằng đấy không phải là sự thỏa hiệp mà là chấp nhận với căn bệnh chung của bóng đá Đông Nam Á. Nơi mà từ lâu đã có giải vô địch Đông Nam Á (khai sinh là Tiger Cup 1996) những 28 năm mà đến nay vẫn chưa được FIFA công nhận trong hệ thống giải của FIFA như các khu vực khác.

Bóng đá Đông Nam Á cứ như có những luật và lệ riêng của Đông Nam Á theo cách “khôn lỏi” mà cụ thể là gần đây một số đội tuyển đã làm mạnh đội nhà lên không bằng mặt bằng đào tạo cầu thủ trẻ mà thi nhau nhập tịch trả lương cao quyền lợi lớn để kéo những cầu thủ tây về.

Hay cụ thể là ở Việt Nam mà mới đây nhà môi giới Jernej Kamensek người Slovenia đã có thâm niên hơn 10 năm với thị trường bóng đá Việt Nam phải thốt lên rằng cầu thủ Việt Nam khó ra nước ngoài thi đấu bởi họ đang nhận được đãi ngộ quá cao so với năng lực thật sự ở các CLB Việt Nam. Tương tự các quốc gia Đông Nam Á cũng có nhưng không “phá giá” như các CLB Việt Nam sẵn sàng trả phí lót tay rất cao và lương cũng rất khủng nên nhiều thông tin nói cầu thủ này ra nước ngoài, cầu thủ kia đi châu Âu nhưng cuối cùng thì đó cũng chỉ là cách làm giá và lấy tiền lót tay, tiền lương của những ông chủ các CLB Việt Nam mà thôi.

ANH TRƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/indonesia-lam-xau-san-choi-tre-va-su-cham-tien-cua-bong-da-dong-nam-a-post797142.html
Zalo