Huyện Gò Công Tây: Hiệu quả từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình và dân số'(gọi tắt là Phong trào) huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND huyện đề ra nhiều giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia hưởng ứng các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
HIỆU QUẢ TỪ PHONG TRÀO
Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào huyện Gò Công Tây, Phòng Văn hóa Thông tin (VH-TT) huyện thường xuyên tham mưu cho UBND huyện các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình hành động theo định hướng, chỉ đạo của cấp trên liên quan đến lĩnh vực hoạt động Phong trào; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào huyện, tổ chức họp giao ban đánh giá hoạt động của Phong trào.
Đặc biệt, chú trọng phối hợp các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)". Qua đó, phát hiện các gương gia đình văn hóa tiêu biểu trong việc vượt khó phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ăn học thành tài. Các cá nhân điển hình trong việc đóng góp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở như: Hiến đất làm trường học, làm đường, xây dựng khu thể thao, khu vui chơi giải trí, phòng đọc sách cho nhân dân...
Qua đó, Phong trào ngày càng phát triển, có chất lượng, hiệu quả và thực sự thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, qua bình xét, có 34.741 hộ/36.608 hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 94,9%. Có 66/66 ấp, khu phố đảm bảo vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là trên 95%.
Hệ thống giao thông nông thôn ở các xã, thị trấn thường xuyên được nâng cấp và mở rộng. Hiện có trên 95% đường giao thông tại các xã, thị trấn được tráng nhựa, bê tông, đảm bảo giao thông thông thoáng cả trong mùa nắng, lẫn mùa mưa.
100% ấp, khu phố được UBND huyện công nhận ấp, khu phố văn hóa; 8 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ra mắt Đô thị văn minh thị trấn Vĩnh Bình; huyện Gò Công Tây đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2021… Các phong trào văn hóa, thể thao ngày càng phát triển khắp các cơ quan, đơn vị, tạo ra một diện mạo mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm ấp văn hóa Hòa Bình, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây cho biết, trụ sở ấp Hòa Bình được xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị để ấp hoạt động. Đồng thời, được bố trí, lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, Ban Chủ nhiệm ấp còn tích cực trồng cây xanh, cây kiểng tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp, thu hút đông đảo người dân đến tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.
TIẾP TỤC NÂNG CHẤT
Trưởng Phòng VH-TT huyện Gò Công Tây Trần Ngọc Vương cho biết, xác định việc triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải được tiến hành nghiêm túc, kiên trì, thiết thực, tránh hình thức.
Theo đó, năm 2025, Phòng VH-TT huyện sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp Phong trào trong huyện theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào, nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, nhất là các danh hiệu văn hóa.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp trong huyện Gò Công Tây tiếp tục nỗ lực vận động nhân dân thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 80% đến 85% trong tổng số hộ đăng ký đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Nâng cao chất lượng bình xét gia đình văn hóa ở cơ sở đảm bảo đúng quy trình, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh. Xây dựng từ 2 đến 4 danh hiệu văn hóa nơi công cộng như: Cơ sở thờ tự văn hóa, Con đường văn hóa, 100% các cơ quan trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa, đạt danh hiệu cơ quan văn hóa từ 95% trở lên.
Tiếp tục phát động nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phấn đấu đến cuối năm đạt trên 40% tổng số người dân tập luyện thể thao thường xuyên và trên 40% số hộ gia đình thể thao. Thông qua rèn luyện sức khỏe của mỗi người, phát hiện bồi dưỡng lực lượng trẻ để đào tạo phát triển thể thao thành tích cao sau này.
Cùng với đó, bảo quản, giữ gìn và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, thường xuyên vệ sinh sạch đẹp các bia, tượng đài trên địa bàn quản lý, thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống tại địa phương.
Tiếp tục đưa mục tiêu thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác gia đình và dân số vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với xây dựng và nâng chất xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao năm 2025.
Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác gia đình và dân số ở các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa, động viên thúc đẩy Phong trào phát triển bền vững.
Lấy kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hằng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng…