Huy động nguồn lực xã hội chăm lo người yếu thế
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang (tọa lạc tại xã Thạnh Lộc) vận động nguồn lực từ nhà hảo tâm chăm lo tốt hơn đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm.

Người cao tuổi được viên chức Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang phục vụ ăn trưa.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang nuôi dưỡng, chăm sóc 273 đối tượng gồm người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân tâm thần và đối tượng được bảo vệ khẩn cấp. Nhiệm vụ của trung tâm là quản lý, chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng được tiếp nhận nuôi dưỡng. Tuy nhiên, mức trợ cấp của ngân sách nhà nước hỗ trợ nuôi dưỡng các đối tượng hạn hẹp. Mức trợ cấp nuôi dưỡng cho mỗi đối tượng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đối với trẻ em dưới 4 tuổi là 1,8 triệu đồng/người/tháng; đối với đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên là 1,44 triệu đồng/người/tháng. Sau đó mức trợ cấp được nâng lên tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP đối với trẻ em dưới 4 tuổi là 2,5 triệu đồng/người/tháng; đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên 2 triệu đồng/người/tháng.
Với mức hỗ trợ này, đời sống của các đối tượng chưa được đảm bảo, do đó năm 2016 Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang xây dựng mô hình “Dân vận khéo” “Huy động xã hội hỗ trợ chăm sóc đối tượng bảo trợ tại đơn vị” và duy trì đến nay. Mô hình nhằm vận động nguồn lực để cải thiện, chăm lo đời sống của đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm tốt hơn. “Qua từng năm mô hình được cải thiện, dần nâng cao hiệu quả thông qua giải pháp phù hợp thực tiễn, từ đó tạo sức lan tỏa cho các hoạt động kết nối với nhà hảo tâm, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ vật chất, tinh thần để chăm sóc đối tượng tại đơn vị”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn cho biết.
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2025, Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang có 2.254 lượt khách đến thăm và tặng quà; các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 6,3 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 1,8 tỷ đồng, còn lại là hàng hóa, nhu yếu phẩm… quy ra tiền trên 4,5 tỷ đồng. Ông Đỗ Thanh Tuấn cho biết: “Đối với nguồn vận động xã hội hóa, trung tâm xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, theo dõi và thực hiện theo quy định chứng từ kế toán. Đồng thời, công khai các khoản đóng góp từ thiện trên bảng vàng tại đơn vị, website của trung tâm và báo cáo đơn vị chủ quản nhằm đảm bảo tính minh bạch, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, tạo niềm tin và sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự đóng góp của cộng đồng cuộc sống của những đối tượng được nuôi dưỡng tại trung tâm được nâng lên”.
Trung tâm xây dựng quy chế, định mức sử dụng nguồn vận động. Đối với tiền mặt, trung tâm thực hiện sửa chữa nhỏ phục vụ trực tiếp cho đối tượng; chi tiền thuốc, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng khi nằm viện ngoài định mức bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Đối với hàng hóa, trung tâm cấp hàng tháng theo nhu cầu phù hợp của đối tượng.
Ngụ xã Bình An, ông Lê Văn Nghĩa (65 tuổi) không lập gia đình và không còn người thân, mất khả năng lao động nên được chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang tiếp nhận chăm sóc. “Lúc đầu về đây sống tôi không quen, hay buồn, được các cháu chăm sóc tận tình, nhiều người đến thăm hỏi, động viên tôi thấy được an ủi. Ở đây, tôi và nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh được chăm lo tốt, ăn uống đầy đủ. Ngoài bữa ăn chính còn có sữa, trái cây, bánh… khi ốm đau có người chăm sóc”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh sự đóng góp của cộng đồng, thời gian qua Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2022 - 2023, trung tâm được đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng các hạng mục như khu dịch vụ người cao tuổi, khu vui chơi cho trẻ em, xây dựng hội trường, nhà công vụ, mở rộng khu tâm thần, nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy…