Hút thuốc lá gia tăng số ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (bệnh COPD) gây tử vong hàng đầu; nguyên nhân chính do liên quan thuốc lá. Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo để kéo dài tuổi thọ bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

90% bệnh nhân COPD liên quan đến thuốc lá

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể đe dọa tính mạng, gây khó thở, suy hô hấp và tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COPD đang chiếm vị trí thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu, có khoảng 384 triệu bệnh nhân trên toàn cầu. Cứ 10 giây thì có 1 người tử vong, gây tổn thất hơn 100 tỷ đô/năm. Ước tính, hơn 1 nửa bệnh nhân COPD chưa được chẩn đoán, đến năm 2030 có khoảng 4,5 triệu ca tử vong hàng năm do COPD và các rối loạn liên quan trên toàn cầu.

Phó Giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Trần Văn Ngọc (Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam) cho biết: Phần lớn những người bị COPD liên quan đến thuốc lá. Với thời gian hút 20 năm, mỗi ngày 1 gói, khả năng mắc bệnh này sẽ gia tăng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc bệnh COPD và phần lớn đến bệnh viện giai đoạn trễ - ở giai đoạn 3 và 4. Chính vì vậy, vấn đề phát hiện sớm bệnh COPD rất quan trọng. Cụ thể, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đang điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau khi thăm khám trực tiếp, bệnh nhân được đánh giá tình trạng bệnh rất nặng, suy hô hấp, nguy cơ phải đặt nội khí quản, khả năng tử vong 50%.

90% bệnh nhân COPD có liên quan đến thuốc lá. Nếu không hút thuốc lá, nguy cơ mắc COPD rất ít. Chỉ có 10% bệnh nhân COPD không liên quan đến thuốc lá. Nguyên nhân là do ô nhiễm trong nhà, đốt than đá, than củi trong môi trường kín hoặc hút thuốc lá thụ động trong thời gian kéo dài.

Các chuyên gia đầu ngành khám cho bệnh nhân mắc bệnh COPD tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Cách phòng ngừa

Hầu hết, các bệnh viện lớn có khoảng 30% số bệnh nhân trong Khoa Hô hấp mắc bệnh COPD, trong số này thì có khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Đây là một gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội. Vì vậy, việc quản lý, chẩn đoán điều trị theo dõi bệnh nhân lâu dài là điều cần thiết. Đồng thời, chẩn đoán sớm rất quan trọng, đặc biệt là những người hút thuốc lá. Với 90% bệnh nhân COPD có liên quan đến thuốc lá, do đó, câu chuyện giáo dục thanh thiếu niên không hút thuốc lá, không nghiện thuốc lá là cần thiết, quan trọng. Điều này sẽ ngăn ngừa được nhiều bệnh nhân mắc bệnh. Đó là thông tin của bác sĩ Ngọc.

Theo bác sĩ Ngọc, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không lây. Tuy nhiên, người mắc bệnh này có thể nhiễm lao, tăng gấp đôi so với người không mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi có triệu chứng nghi ngờ COPD, bệnh nhân phải đến bác sĩ ngay, như đang hút thuốc lá mà ho đàm kéo dài; phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu điều trị khá đơn giản. Thậm chí, chỉ ngưng hút thuốc lá, bệnh sẽ không tiến triển nữa.

Phó Giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Trần Văn Ngọc (Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam).

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không lây. Tuy nhiên, người mắc bệnh này có thể nhiễm lao, tăng gấp đôi so với người không mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người mắc COPD trong giai đoạn nặng sẽ có nhiều đợt cấp do vi rút, vi khuẩn những tác nhân đó lây cho người trong gia đình. Đôi khi, người khỏe mạnh trong gia đình bị cúm… lây cho người bệnh phỗi tắc nghẽn mãn tính. Vì vậy, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, trong gia đình có người mắc COPD nên tiêm chủng phòng tránh lây nhiễm, đặc biệt người già.

Khi chẩn đoán sớm mắc COPD đặc biệt người hút thuốc lá, các bác sĩ khuyên bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá là tiên quyết. Tiến triển của bệnh sẽ chậm lại, giảm đợt cấp, điều trị tối ưu hóa với mục đích bệnh nhân dễ thở, giảm tử vong. Về thuốc điều trị bệnh COPD hiện có đầy đủ. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ là quan trọng, trở lại thăm khám khi triệu chứng nặng lên; bệnh này điều trị suốt đời. Cùng với đó, điều trị không dùng thuốc cũng không kém phần quan trọng. Đó là phải bỏ hút thuốc lá, tiêm ngừa cúm, viêm phổi, tập vật lý trị liệu, thể dục thể thao vừa với sức khỏe. Một khi duy trì các biện pháp này điều đặn, thì tuổi thọ bệnh nhân kéo dài, chất lượng cuộc sống đảm bảo, giảm đi các đợt cấp nặng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hut-thuoc-la-gia-tang-so-ca-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-119812.html
Zalo