Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS

Năm 2024, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn chủ đề cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) là 'Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe'. Việt Nam đã chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là 'Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030'.

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Mạnh Hùng

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Mạnh Hùng

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 4.921 người nhiễm HIV/AIDS còn sống đang được quản lý. Theo bác sĩ Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các đường lây truyền của căn bệnh này để thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đặc biệt là không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trực tiếp trong các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo; thông qua nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại. Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác điều trị ARV, điều trị methadone, xét nghiệm HIV, thực hiện các mục tiêu 95*95*95 (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế), hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030; lợi ích sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, có hơn 123.600 lượt người được truyền thông trực tiếp. Trong đó, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao, như người nghiện chích ma túy; người bán dâm, tiếp viên nhà hàng; người nhiễm HIV/AIDS; quan hệ tình dục đồng giới nam; thành viên gia đình người nhiễm HIV; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; người thuộc nhóm từ 15-24 tuổi; nhóm người di biến động. Ngoài ra, còn tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng 5.978 tin, bài, ảnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng, chống HIV.AIDS.Ảnh: Mạnh Hùng

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng, chống HIV.AIDS.Ảnh: Mạnh Hùng

Tăng cường giải pháp chuyên môn

Các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV được triển khai đồng bộ. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị và 37 cơ sở cấp phát thuốc methadone. Có 1.033 bệnh nhân đang điều trị methadone, lũy tích bệnh nhân đã điều trị đến tháng 11/2024 là 4.182 người. Chương trình can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục triển khai đối với các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, như người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế; mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng; xét nghiệm HIV lưu động và ưu tiên tự xét nghiệm HIV với hình thức cung cấp dịch vụ online. Đặc biệt, chương trình tư vấn xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao tại 12 huyện, thành phố, với độ bao phủ là 100%. Triển khai hệ thống giám sát các ca bệnh trên phần mềm 4.0 đến 100% số xã, phường, thị trấn. Thực hiện hiệu quả hợp đồng với dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường giám sát dịch tễ học và giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: Hằng tháng, Trung tâm phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố rà soát ca bệnh tại cộng đồng. Sau khi có kết quả xét nghiệm HIV sẽ cập nhật thông tin người nhiễm HIV vào phần mềm quản lý người nhiễm HIV (HIV INFO 4.0). Từ đầu năm đến nay, nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh đã thực hiện 62 cuộc giám sát, hỗ trợ tại 12 huyện, thành phố triển khai chương trình tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS; giám sát, theo dõi đánh giá phòng chống HIV/AIDS; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone...

Cán bộ Trạm Y tế xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, tư vấn các biện pháp phòng, chống HIV.AIDS. Ảnh: Mạnh Hùng

Cán bộ Trạm Y tế xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, tư vấn các biện pháp phòng, chống HIV.AIDS. Ảnh: Mạnh Hùng

Đẩy lùi dịch bệnh AIDS

(Hiện nay, toàn tỉnh có 12 phòng khám ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện; 2 phòng khám ngoại trú trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn thực hiện chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Có 4.372 người lớn và 145 trẻ em đang được điều trị ARV.

Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại tất cả các huyện, thành phố, với tổng số khách hàng đang điều trị là 675 trường hợp. Đồng thời, tiến hành điều trị đồng nhiễm HIV/VGC (viêm gan C) tại các huyện, thành phố trong tỉnh cho 550 bệnh nhân (trong đó 538 người đã hoàn thành điều trị, còn lại đang điều trị). Ngoài ra, phát miễn phí 162.168 bao cao su cho 25.386 lượt người; 509.134 bơm kim tiêm miễn phí cho 33.028 lượt người. Tư vấn xét nghiệm HIV cho 7.858 người có nguy cơ cao, phát hiện mới 86 người HIV dương tính và giới thiệu đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS.

Là địa phương phát hiện ca bệnh HIV đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào năm 1998, đến nay, huyện Mai Sơn có 1.006 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Bác sĩ Nguyễn Minh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, chia sẻ: Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là những người nhóm có nguy cơ cao. 100% xã, thị trấn được truyền thông về lợi ích của xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV. Hiện nay, toàn huyện có 766 bệnh nhân đang điều trị ARV; 74 người nghiện ma túy điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, các cấp, các ngành địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm, giảm tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/huong-toi-muc-tieu-cham-dut-dich-benh-aids-Vjizoj7NR.html
Zalo