Hướng thoát nghèo từ sản phẩm OCOP

Là địa phương từng có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Quảng Nam, những năm qua huyện Tây Giang đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, trong đó có sự phát triển, phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Đảng sâm cây dược liệu quý được trồng phát triển rộng rãi tại các địa phương vùng biên giới Tây Giang.

Đảng sâm cây dược liệu quý được trồng phát triển rộng rãi tại các địa phương vùng biên giới Tây Giang.

Hướng đi đúng

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các kỳ đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế là dựa trên cơ sở vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, hạ tầng và truyền thống văn hóa của huyện miền núi biên giới. Tây Giang định hướng chọn kinh tế nông nghiệp làm chủ lực, từng bước phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chuyển đổi dần cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong phát triển nông nghiệp chú trọng theo hướng chuyên canh, tăng năng suất, chất lượng, liên kết doanh nghiệp nhằm tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững; ưu tiên các loại cây bản địa có thế mạnh của huyện như đảng sâm, ba kích...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… gia tăng giá trị đất đai, kích thích phát triển các loại hình sản xuất. Tập trung huy động đầu tư một số tuyến giao thông kết nối liên vùng, kết nối không gian. Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, sắp xếp, nâng cấp một số điểm du lịch hiện có nhằm làm cơ sở để kêu gọi đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm OCOP mang thương hiệu đặc trưng của Tây Giang đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Cao đảng sâm, rượu ba kích là những sản phẩm OCOP tiêu biểu ở Tây Giang.

Cao đảng sâm, rượu ba kích là những sản phẩm OCOP tiêu biểu ở Tây Giang.

Phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP

Từ nhiều năm nay, cây ba kích và đẳng sâm là cây dược liệu quý, mọc tự nhiên và được phát triển rộng rãi ở Tây Giang, có giá trị cao về y học và hiệu quả kinh tế. Cây ba kích, đẳng sâm được bà con Cơ Tu phát triển nhiều ở các địa phương như xã Lăng, TrHy, A Xan, Chơm, Ga Ry… Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát huy thế mạnh của các loại cây này để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay Tây Giang đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm điển hình được nghiên cứu chế biến như rượu ba kích của cơ sở sản xuất doanh nghiệp Chính Châu, trà đẳng sâm túi lọc của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang, đẳng sâm ngâm mật ong của HTX Dược liệu Đức Huy, cao đẳng sâm của HTX Nông dược Trường Sơn Xanh… Đặc biệt là sản phẩm mật đường từ cây Trđin “Forest Foods - đường tự nhiên hữu cơ” của thầy giáo Phạm Thanh Hoàng. Là một thầy giáo nhiều năm công tác ở Tây Giang, qua thực tế và nghiên cứu, thấy cây trđin - một loại cây họ “đoác” được đồng bào vùng cao thường hứng nước từ thân cây về chế biến thành rượu trđin để dùng uống trong sinh hoạt hàng ngày có nhiều dược tính quý, thầy giáo Hoàng đã tập trung nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm mật đường Trđin “Forest Foods - đường tự nhiên hữu cơ”. Năm 2023, thầy Hoàng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, nhân lực thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang. Sản phẩm mật đường Trđin cũng được trao giải Nhì về ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh năm 2024. Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thành công sản phẩm siro Trđin.

Qua tìm hiểu, được biết, cách đây hơn 10 năm về trước, cây đảng sâm chỉ mọc tự nhiên và 1 số hộ gieo trồng ở 2 xã Chơm và Ga Ry, thì đến nay đã có hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu trồng phát triển lên hàng trăm ha. Cũng cách đây hơn 10 năm, tại xã Lăng, già làng Bríu Pố nổi tiếng đi đầu trong việc trồng và phát triển cây ba kích thì đến nay đã có hàng trăm héc ta cây ba kích được bà con Cơ Tu trồng phát triển trên toàn huyện. Cùng với các sản phẩm OCOP nêu trên, năm 2024, Tây Giang đã có thêm 3 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện gồm đảng sâm sấy dẻo của HTX Nông dược Trường Sơn Xanh, táo mèo sấy khô Tây Giang của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, rau sạch, tinh dầu sả Java Tây Giang của HTX Dược liệu và nông sản sạch cách mạng xanh.

Thông qua các sản phẩm OCOP và liên kết chuỗi sản xuất đã góp phần quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên có thu nhập cao cho hàng nghìn người lao động là đồng bào vùng biên giới, sẽ sớm đưa Tây Giang ra khỏi danh sách huyện nghèo trên cả nước, đúng như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/huong-thoat-ngheo-tu-san-pham-ocop-post304877.html
Zalo