Hương quê trong chiếc bánh in

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề làm bánh in đậu xanh truyền thống vẫn được gìn giữ nơi làng quê yên bình ở xã Sơn Tịnh. Hương thơm ngọt bùi của những chiếc bánh nhỏ nhắn, mộc mạc, len lỏi trong đời sống, kết nối những ký ức của một thời gian khó với cuộc sống ngày nay.

“Tôi còn gắn bó với nghề làm bánh in đậu xanh không chỉ để mưu sinh, mà còn mong muốn giữ lại nghề của mẹ mình và để mai này con cháu trong nhà còn biết đến hương vị truyền thống một thời của quê hương”, ông Lê Văn Hưng (50 tuổi), chủ cơ sở bánh in đậu xanh Thu Thảo, ở xã Sơn Tịnh chia sẻ. Ông là một trong số ít những người ở địa phương còn gắn bó với nghề làm bánh truyền thống này.

>> Xem video: Nghề làm bánh in đậu xanh truyền thống ở xã Sơn Tịnh.

TỪ NGHỀ CỦA MẸ

Cơ sở bánh in đậu xanh Thu Thảo của gia đình ông Hưng nằm nép mình bên Quốc lộ 24B. Bên trong lò bánh, lửa vẫn rực đỏ mỗi ngày, giữ ấm không gian với hương thơm quen thuộc của mùi đậu xanh chín tới, quyện cùng mùi thơm của mẻ bánh đang nướng lan tỏa khắp nơi, níu chân người qua đường.

Ông Hưng kể, nghề này được truyền từ mẹ, người phụ nữ vẫn thường tảo tần trên ruộng đậu xanh ven sông Trà Khúc, làm ra những mẻ bánh thơm ngon, phục vụ gia đình, xóm làng vào các dịp lễ, Tết. Hình ảnh mẹ vất vả ngâm, sàng, đãi, xay, đánh bột, in, nướng bánh đã khắc sâu trong tâm trí và mỗi chiếc bánh nhỏ làm ra là gói ghém cả thanh xuân lam lũ của mẹ.

Bên trong cơ sở làm bánh in truyền thống của vợ chồng ông Lê Văn Hưng (50 tuổi), ở xã Sơn Tịnh.

Bên trong cơ sở làm bánh in truyền thống của vợ chồng ông Lê Văn Hưng (50 tuổi), ở xã Sơn Tịnh.

Sau này, ông Hưng theo học cơ khí và chính kỹ năng chế tạo máy móc đã đưa ông trở lại với nghề làm bánh của tuổi thơ. “Hồi đó, tôi thích chế tạo mấy thiết bị, máy móc cho mẹ làm bánh đỡ cực. Thế nhưng, bà lớn tuổi không biết dùng. Thấy uổng, tôi mang về sử dụng. Tôi nhờ mẹ chỉ dạy thêm cách làm bánh, rồi hai vợ chồng cùng mày mò, lập nghiệp từ đó. Thấm thoắt mà tôi đã gắn bó với nghề mấy chục năm rồi”, ông Hưng chia sẻ.

Bà Tôn Thị Yến Thu (47 tuổi), vợ ông Hưng nói vui, nghề này phải có đam mê lắm mới duy trì đến hôm nay. Nếu người thợ không đủ kiên nhẫn thì không bám trụ nổi. Từng có thời gian ở nơi tôi sinh sống, nhà nhà làm bánh in đậu xanh, nhưng rồi cũng dần tắt lò.

Bánh in đậu xanh truyền thống trải qua nhiều công đoạn chế biến thủ công. Trong đó, công đoạn đánh bột với đường trên bếp lửa để nấu chín bột rất quan trọng và được ông Hưng theo dõi cẩn thận.

Bánh in đậu xanh truyền thống trải qua nhiều công đoạn chế biến thủ công. Trong đó, công đoạn đánh bột với đường trên bếp lửa để nấu chín bột rất quan trọng và được ông Hưng theo dõi cẩn thận.

Nhìn chị Thu nâng niu từng thau bột vàng mịn; chứng kiến các công đoạn chị làm bánh mới thấy hết sự tỉ mỉ, chịu thương, chịu khó của hai vợ chồng. Từ lúc chọn đậu, ngâm, đãi sạch, rồi hấp chín, xay nhuyễn, pha bột với đường, cho đến đánh tơi, cán mịn, in khuôn, sấy khô và nướng bánh đều hết sức kỳ công.

Những mẻ bánh in đậu xanh được chăm chút kỹ lưỡng trước khi cho sấy và nướng.

Những mẻ bánh in đậu xanh được chăm chút kỹ lưỡng trước khi cho sấy và nướng.

Trong đó, khâu đánh bột với đường rồi nấu chín trên lửa được xem quan trọng nhất, để tạo nên linh hồn chiếc bánh. Bột và đường phải được đánh quyện đều, không vón cục để bánh sau khi nướng sẽ tơi xốp, ngọt dịu, không sượng. Nếu pha bột không kỹ, đánh không tơi, bánh sẽ lợn cợn, không tan đều khi thưởng thức. Nếu người thợ làm bánh pha nhiều bột quá so với đường thì bánh cũng sẽ bị chai, khi ra lò sẽ cứng, hình dạng không đẹp và thời gian bảo quản ngắn.

“Bên cạnh đó, khâu nướng bánh cũng quan trọng không kém để bánh cho màu vàng đều, thơm ngon. Dù công thức giống nhau, nhưng những người thợ ở mỗi cơ sở vẫn sẽ có bí quyết riêng để tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh”, chị Thu nhấn mạnh.

VỊ QUÊ CÒN MÃI

Hiện nay, mỗi tháng, vợ chồng ông Hưng cần mẫn sản xuất khoảng 300kg bánh in đậu xanh, cung cấp cho các cửa hàng, tạp hóa, các chợ địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi và một số nơi ở miền Bắc. Bánh chủ yếu phục vụ nhu cầu vào các dịp lễ, Tết, rằm, mùng một và cũng là món quà quê ý nghĩa cho khách du lịch hay những người xa quê.

Trên thị trường có nhiều loại bánh đa dạng và phong phú nhưng bánh in đậu xanh truyền thống vẫn được nhiều người yêu thích với hương vị thơm ngon, gắn liền với ký ức của một thời gian khó.

Trên thị trường có nhiều loại bánh đa dạng và phong phú nhưng bánh in đậu xanh truyền thống vẫn được nhiều người yêu thích với hương vị thơm ngon, gắn liền với ký ức của một thời gian khó.

Ông Nguyễn Đình Oanh (78 tuổi), một khách quen của cơ sở, bồi hồi nhớ lại ký ức một thời khi đến mua bánh tại cơ sở làm bánh của nhà ông Hưng. Ông Oanh kể, ngày trước khó khăn, có được xấp bánh đậu xanh cúng ông bà dịp Tết hay giỗ, chạp là quý lắm. Trẻ con cứ ngóng chờ cha mẹ hạ mâm, chia nhau mỗi đứa một cái, ăn thật chậm rãi để cảm nhận vị ngọt nhẹ, thơm bùi của đậu xanh tan dần trong miệng, níu kéo khoảnh khắc sum vầy.

“Với tôi, bánh in đậu xanh hay còn gọi là bánh đậu xanh, đây không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn là mạch nối với ký ức của một thời gian khó. Bánh vừa ngon, vừa an toàn với nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu, không chất bảo quản, nên tôi yên tâm mua để cúng ông bà, tổ tiên trong mỗi dịp Tết; làm quà biếu, cũng như mời bạn bè đến nhà thưởng trà, đàm đạo mỗi ngày”, ông Oanh chia sẻ.

Bánh in đậu xanh Thu Thảo hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Bánh in đậu xanh Thu Thảo hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện nay, sản phẩm bánh in đậu xanh Thu Thảo được nhiều nơi trong tỉnh và các địa phương ở miền Bắc đặt hàng với số lượng lớn. Dẫu được ưa chuộng, nhưng do điều kiện còn hạn chế, vợ chồng ông Hưng vẫn duy trì số lượng vừa phải, đủ để có nguồn thu nhập trang trải hằng ngày. Ông luôn mong muốn cơ sở sẽ có điều kiện phát triển trong thời gian đến để kinh tế gia đình ông không chỉ được cải thiện mà người dân vùng nông thôn ở đây có thêm việc làm, hạn chế đi các tỉnh, thành phố lớn mưu sinh.

Chủ tịch UBND xã Sơn Tịnh Đặng Xuân Trung cho biết, hiện toàn xã có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong đó, bánh in đậu xanh Thu Thảo là một trong những sản phẩm tiêu biểu, được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2024.

Nhờ sự bền bỉ giữ nghề của những người thợ làm bánh tâm huyết như vợ chồng ông Hưng, chiếc bánh in đậu xanh truyền thống không chỉ được gìn giữ, mà còn tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực quê nhà. Mỗi chiếc bánh mộc mạc trở thành cầu nối ký ức, mang theo hương vị bùi ngọt, thơm lừng của đậu xanh, gợi nhắc những buổi trà chiều đậm chất làng quê, với những câu chuyện mộc mạc của một thời gian khó; đồng thời, giúp người xa quê luôn tìm thấy được hương vị thân quen của quê nhà.

“Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại; đồng thời, chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Qua đó, góp phần đưa nghề làm bánh in đậu xanh truyền thống một thời phát triển trở lại; tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn”, ông Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: T.HẬU - M.LỰC

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/huong-que-trong-dang-banh-nho-54705.htm
Zalo