Hương Khê khẩn trương ứng phó với mưa lớn, lũ lên nhanh
Mưa lớn trong thời gian ngắn khiến tình hình lũ lụt ở Hương Khê (Hà Tĩnh) diễn biến rất phức tạp. Các địa phương đang tập trung triển khai các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Tại xã Hòa Hải, lượng mưa lớn từ chiều tối ngày 28 - 30/10 đã khiến đập Tắt (thôn 9) bị vỡ. Đây là đập đất, đã xây dựng từ nhiều năm nên khi có mưa lớn, thân đập không thể trụ vững.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phú thông tin, tình hình mưa lũ diễn biến rất khó lường. Nhiều địa bàn đã bị chia cắt. Khi xảy ra vỡ đập tại thôn 9, một người dân bị nước cuốn nhưng nhờ lực lượng có mặt kịp thời nên việc cứu nạn thành công.
Video Các lực lượng ứng cứu người dân bị lũ cuốn trên quốc lộ 15A
Tại thôn 10, trong sáng nay cũng xảy ra lũ quét. Do dòng nước dâng quá nhanh nên người dân chưa kịp ứng phó, nhiều nông sản bị ngập nước. Xã đã huy động tất cả cán bộ và kêu gọi các lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng hỗ trợ, ứng phó với mưa lũ; sẵn sàng các phương án di dời dân khi cần thiết.
Trưa nay, mưa lớn cũng đã khiến tường rào của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê đổ sập khiến 1 nữ sinh đang học lớp 12 bị thương ở chân.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường, thôn xóm trên địa bàn huyện đang bị chia cắt bởi nước lũ. Trục đường chính quốc lộ 15A đoạn qua xã Hà Linh và đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phúc Đồng bị ngập sâu buộc phải hạn chế một số phương tiện thô sơ, ô tô gầm thấp. Tại đường huyện lộ 4 (hay còn gọi là đường Phúc Trạch - Hương Liên) đang bị sạt lở nghiêm trọng, gây cản trở giao thông...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê, lượng mưa từ 19h ngày 28/10 đến 15h ngày 30/10 là 485.8mm. Mực nước sông Ngàn Sâu đo tại Trạm Thủy văn Chu Lễ là 12,98m, trên báo động II là 0,48m. Đến nay, toàn huyện có 1.120 hộ dân bị ngập vườn, trong đó có 98 hộ đang bị nước lũ vào nhà.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh đã ký ban hành công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời triển khai các phương án ứng phó với lũ lụt. Theo đó, yêu cầu các phòng, ngành, xã, thị trấn triển khai lực lượng, tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu.
Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; xác định cần di dời, sơ tán khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thời gian mưa lũ kéo dài.
Chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt là các vùng sạt lở bờ sông tại các xã: Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Gia Phố, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Thủy...; các vùng trồng keo, độ dốc lớn có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống lũ quét tại các xã: Hương Đô, Phúc Trạch, Hòa Hải...), các lán trại có công nhân thi công các công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.
Huyện cũng đã chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như các ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, cầu tràn...
Theo nhận định, tình hình mưa lũ tại địa bàn miền núi Hương Khê còn diễn biến phức tạp. Ngoài các phương án ứng phó chủ động, địa phương cũng đã phát đi lệnh nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân.