Hướng đi nào để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững?
Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng đã gợi ý nhiều nội dung để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững hiệu quả, hướng tới kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
Ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng rất tốt các FTA
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổng kết năm 2024, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu sơ bộ, hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 800 tỷ USD, riêng ngày dệt may đạt khoảng 44 tỷ USD (chiếm khoảng 5,5%). Đặc biệt, năm 2024, chỉ số về tăng trưởng công nghiệp Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng.
"Việt Nam hiện đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do và đang tiếp tục đàm phán 3 FTA khác. Có thể nói ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng rất tốt các FTA để đưa Việt Nam từ một nước chưa có tên trên bản đồ dệt may thế giới vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh", Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng, gắn với quá trình phát triển của ngành là sự hình thành và phát triển của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). 25 năm qua, từ bước khởi đầu đầy khó khăn, các thế hệ lãnh đạo và người lao động của Hiệp hội và của ngành dệt may Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 25 lần, từ 1,75 tỷ USD năm 1999, năm thành lập VITAS, lên 44 tỷ USD ước năm 2024; kim ngạch nhập khẩu tăng 16 lần, từ 1,57 tỷ USD lên 25 tỷ USD; đặc biệt, xuất siêu tăng 108 lần, từ 175 triệu USD năm 1999 lên 19 tỷ USD ước năm 2024; sản lượng kéo sợi tăng hơn 15 lần, sản lượng vải tăng 8 lần, sản lượng may mặc tăng trên 100 lần.
Bên cạnh đó, ngành dệt may với sự tham gia tích cực của VITAS đã triển khai thực hiện có trách nhiệm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Doanh thu nội địa của ngành đã tăng gần 17 lần từ 300 triệu USD năm 1999 lên gần 5 tỷ USD năm 2024.
Xác định số hóa, xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu
Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho biết, hiện nay, môi trường kinh doanh đang thay đổi rất nhanh chóng. Bên cạnh những cơ hội từ tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ thương mại điện tử và từ các FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết mang lại, nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực mà chúng ta đã chứng kiến như đại dịch Covid-19, chiến tranh, xung đột địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới; chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại giữa các cường quốc đang có xu hướng trỗi dậy; nhiều thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam đưa ra các đạo luật quy định rất khắt khe về sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ bền vững, trách nhiệm xã hội; cuộc cạnh tranh về giá và đẳng cấp sản phẩm giữa các nước xuất khẩu dệt may cũng ngày càng quyết liệt hơn.
Để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững hiệu quả, hướng tới kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới theo định hướng chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035", Cục trưởng Cục Công nghiệp đề nghị Hiệp hội Dệt may và ngành dệt may Việt Nam cần làm tốt những nội dung.
Thứ nhất, tận dụng tốt các cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại, vượt qua thách thức, đánh giá đúng và có giải pháp chủ động thích ứng kịp thời với những tác động của các xung đột địa chính trị, thương mại đang diễn ra trên thế giới.
Thứ hai, tập trung giải quyết những khâu còn yếu như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế và phát triển thương hiệu, từng bước tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình; chuyển mạnh từ hình thức gia công là chủ yếu sang các hình thức có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao hơn.
Thứ ba, xác định vấn đề số hóa, xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu, coi đây là cơ hội để chuyển đổi ngành dệt may lên một tầm cao hơn, xanh hơn, sạch hơn, tạo hình ảnh thu hút khách hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và các nhãn hàng trong nước và quốc tế.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, tăng cường đầu tư công nghệ mới, công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vải; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; bảo vệ môi trường và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thứ năm, VITAS cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành chuỗi cung ứng, kết nối giữa các do các nghiệp với các tổ chức quốc tế, các khách hàng để nâng cao vị thế dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giữa các doanh nghiệp với Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, cùng với đó, VITAS cần kết nối giữa các Trường đào tạo, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hội viên, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và kinh doanh tuần hoàn, coi đây là khâu mấu chốt để thành công trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Để hỗ trợ ngành dệt may phát triển, tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho người lao động, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đề xuất cơ chế chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may", Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh.