Hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch của Thủ đô

Nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho Thủ đô, theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Đa dạng mô hình trải nghiệm

Du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là một trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo được sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn.

Tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định này xác định rõ phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này.

Chương trình nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác. Các đơn vị này được kêu gọi phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua việc thiết lập các liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại khu vực nông thôn.

Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì).

Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì).

Đến nay, Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn ( Thị xã Sơn Tây).

Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); Các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp như: Trang trại Dê trắng; Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì) và còn nhiều làng nghề nổi tiếng khác ở ngoại thành, cảnh quan, môi trường được tôn tạo, bảo vệ luôn thu hút du khách đến.

Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có sự quan tâm, đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Từ một xã nông nghiệp đến nay đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm, vào thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 7 vạn lượt khách đến du lịch.

Hiện xã Hồng Vân có trên 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch được đầu tư bài bản, quy mô đón khách tham quan. Du khách đến đây được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; tham quan các tuyến đường hoa, các nhà vườn sinh vật cảnh, thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa…

Vào dịp hè, ngày nghỉ cuối tuần hay triển khai thực hiện chương trình học tập dã ngoại, trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) luôn đón nhiều du khách, nhất là đón các đoàn học sinh tới sinh hoạt ngoại khóa. Tại đây, các em có cơ hội khám phá không gian làng quê Việt xưa, tìm hiểu và thực hành các công việc nông nghiệp như trồng rau, thu hoạch nông sản, giúp các em hiểu hơn về giá trị lao động và môi trường sống.

Để tăng sức hút và đa dạng hóa trải nghiệm, trang trại Đồng Quê còn phối hợp với người dân địa phương tổ chức các hoạt động tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng truyền thống, khám phá ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường…

Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp đặc thù

Tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá chiến lược phát triển nông nghiệp của Hà Nội khác biệt so với các địa phương khác, tập trung vào giá trị cao thông qua đa dạng hóa lĩnh vực. Thủ đô sẽ chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ theo mô hình "mùa nào thức ấy", đồng thời tích hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch trải nghiệm.

Luật Thủ đô 2024 với các quy định tại Điều 32 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, diện tích đất bãi tại 209 xã sẽ được sử dụng hiệu quả hơn cho các mô hình nông nghiệp bền vững, kết hợp chế biến và du lịch sinh thái.

“Thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo đa dạng hóa các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp Thủ đô,” Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Để đạt được mục tiêu này, Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, từ quy hoạch đất đai, cơ chế đầu tư đến cải thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân, giúp họ tiếp cận công nghệ và tham gia chuỗi giá trị.

Theo đó, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở sẽ xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… để tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/huong-di-moi-trong-phat-trien-nong-nghiep-ket-hop-du-lich-cua-thu-do-d232397.html
Zalo