Hướng đến tương lai phát triển xanh
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040 so với mức năm 1990, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò dẫn đầu của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong 30 năm qua, EU luôn khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh, với nhiều thành tựu đáng tự hào. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, tiến trình hiện thực hóa mục tiêu này dự kiến đối mặt nhiều thách thức, nhất là trong việc tìm lời giải cho bài toán cân bằng giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Trong 30 năm qua, EU luôn khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh, với nhiều thành tựu đáng tự hào. Liên minh Cờ xanh có mức giảm khí nhà kính lớn nhất theo Nghị định thư Kyoto, cho ra đời những đạo luật đầu tiên về khí hậu, xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2005 và cũng là nơi khai sinh ra Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Tiếp bước hành trình đáng tự hào đó, việc công bố mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040 là bước đệm quan trọng để EU đạt trung hòa carbon vào năm 2050, hướng đến tương lai phát triển xanh và bền vững.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, đây là bước tiến và minh chứng sống động cho sự kiên định của liên minh 27 thành viên trong nỗ lực ngăn Trái Đất tiếp tục nóng lên. Nếu được phê duyệt, mục tiêu nêu trên sẽ trở thành “ngọn hải đăng” định hướng cho toàn bộ chiến lược về khí hậu và năng lượng của EU trong giai đoạn sau năm 2030.
Giới phân tích cho rằng, để hiện thực hóa tham vọng này, EU sẽ phải vượt qua rất nhiều thử thách, trước hết là sự hoài nghi từ một số nước thành viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị EU tính toán kỹ nhằm bảo đảm lộ trình khử carbon không tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng Séc Petr Fiala thậm chí còn thẳng thừng bác bỏ vì cho rằng mức cắt giảm 90% không khả thi. Theo người đứng đầu Chính phủ Séc, khối này khó có thể đạt được cùng lúc hai mục tiêu, vừa cắt giảm 90% khí thải vào năm 2040, vừa mở đường để nền kinh tế bứt tốc mạnh mẽ.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp tại EU chia sẻ họ đang chịu áp lực từ nhiều phía, bao gồm chi phí gia tăng và quy định ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường. Nhiều ngành công nghiệp phát thải cao trong khu vực cũng lo ngại những quy định này có thể gây tổn hại đối với năng lực cạnh tranh của Lục địa Già.
Ngoài ra, chi phí để hoàn thành mục tiêu giảm 90% phát thải vào năm 2040 là một con số không hề nhỏ. Ước tính sơ bộ cho thấy, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050, EU sẽ cần rót khoảng 660 tỷ euro đầu tư cho hạ tầng năng lượng và khoảng 870 tỷ euro cho hệ thống giao thông.
Tuy nhiên, EC khẳng định, khác với những cam kết khí hậu trước đây, đề xuất lần này được điều chỉnh linh hoạt để Liên minh Cờ xanh không phải đánh đổi giữa tăng trưởng và chuyển đổi xanh.
Theo đó, để hỗ trợ các quốc gia thành viên dung hòa hai nhiệm vụ bảo vệ môi trường và duy trì sức mạnh kinh tế, EC đề xuất cho phép mua một phần tín chỉ carbon từ ngoài khối để thực hiện mục tiêu giảm khí thải. Cơ chế này cho phép chính phủ và doanh nghiệp EU tài trợ cho dự án khí hậu tại nước đang phát triển, như trồng rừng hoặc chuyển đổi năng lượng, và tính lượng khí thải cắt giảm được vào chỉ tiêu của mình. Giải pháp này giúp EU giảm bớt gánh nặng đầu tư cho chuyển đổi xanh, nhất là trong bối cảnh các nước thành viên phải cân đối ngân sách cho nhiều ưu tiên khác như quốc phòng, an ninh, kinh tế.
Dù còn nhiều vướng mắc song giới chuyên gia cho rằng, là hành trình mà EU chỉ có thể tiến lên, chứ không thể lùi bước.