Huế triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông đang gia tăng
Dù không phải là đô thị có mật độ giao thông cao như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay, nhiều tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn TP Huế thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài, nhất là vào giờ cao điểm và đang có chiều hướng gia tăng gây khó khăn đối với người tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, đã nhiều năm nay, vào 17h hằng ngày, tại nút giao ngã sáu Hùng Vương (phường Thuận Hóa) là nút giao dạng vòng xoay 6 nhánh, nằm ngay khu vực trung tâm TP Huế với hiện trạng kín đặc dòng phương tiện, người tham gia giao thông phải nhích từng chút để di chuyển. Dù lực lượng CSGT được tăng cường, thường xuyên túc trực phân luồng, nhưng nhiều phương tiện phải mất cả chục phút mới có thể di chuyển ra khỏi “điểm nóng” ùn tắc này.
Tương tự, tại cụm tín hiệu đèn giao thông trên đường Lê Lợi - cầu Phú Xuân, dòng xe cộ đông đúc gây ùn ứ cục bộ. Ngoài ra, tại hai đầu cầu An Cựu trên tuyến QL1A đoạn đường Hùng Vương - An Dương Vương cũng thường xuyên ùn ứ cục bộ vào giờ cao điểm. Thực tế cho thấy, TP Huế hiện có nhiều nút giao thường xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm, điển hình là các điểm Nam và Bắc cầu Phú Xuân, cầu An Cựu, cầu Vỹ Dạ, giao lộ Trường Chinh - Bà Triệu, ngã sáu Hà Nội - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tri Phương - Ngô Quyền - Hoàng Hoa Thám, cửa Đông Ba… Điều này tạo ra nỗi lo đối với những người thường xuyên phải di chuyển qua những tuyến đường có nút giao này. Anh Lê Quang Ngọc (trú phường Thuận Hóa, TP Huế) cho biết, sau giờ làm về thì đến trường đón con tan học nhưng do giao thông ùn tắc nên thường xuyên đón muộn, nhất là vào mùa đông, việc ùn tắc giao thông rất nguy hiểm.

Điểm ùn tắc giao thông trên tuyến QL1A đoạn cầu An Cựu, TP Huế nhiều năm nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Tại phiên chất vấn ở kỳ họp HĐND TP Huế nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 17/7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Huế Phan Quý Phương nêu bức xúc của người dân về tình trạng lộn xộn trong tín hiệu giao thông, từ đó đề nghị ngành chức năng sớm rà soát lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu ở các ngã tư.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Huế cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông ở Huế đang có xu hướng gia tăng. Hiện, toàn thành phố có khoảng hơn 70.000 ôtô, trong đó xe dưới 9 chỗ chiếm tỷ lệ lớn. Trung bình mỗi năm, lượng phương tiện cá nhân tăng trên 10%, trong khi hệ thống hạ tầng chưa được cải thiện tương xứng. TP Huế hiện có 521 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài gần 280km, nhưng phần lớn (hơn 85%) là các tuyến đường nhỏ, mặt đường dưới 10m. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp có từ thời lịch sử, không đáp ứng được lưu lượng phương tiện ngày càng tăng. Lượng xe cá nhân tăng nhanh, đường sá nhỏ hẹp, ý thức tham gia giao thông chưa cao… là những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.
Nhằm hạn chế phần nào ùn tắc giao thông, TP Huế đã xã hội hóa mạng lưới xe buýt nội đô, hiện có 15 tuyến hoạt động. Một đề án tổ chức giao thông khu vực trung tâm cũng đã được phê duyệt nhằm phân luồng hợp lý, giảm áp lực lên các tuyến chính. Các biện pháp điều chỉnh như cấm rẽ trái, cấm đỗ xe giờ cao điểm, hạn chế xe tải và xe 3 bánh vào trung tâm cũng được triển khai. Về công nghệ, TP Huế đã lắp đặt hệ thống camera an ninh và camera xử phạt nguội tại nhiều tuyến đường. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được tích hợp tại một số nút giao và đèn tín hiệu, giúp điều tiết giao thông linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, TP Huế đã triển khai mạng lưới camera giám sát và tích hợp ứng dụng Hue-S (là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super App) để tiếp nhận phản ánh tại hiện trường. Chỉ trong năm 2024, Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế ghi nhận gần 19 triệu lượt phản ánh hiện trường, hàng chục nghìn vi phạm bị phát hiện. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 9.000 trường hợp, chủ yếu liên quan xe máy chưa thể xử lý do vướng mắc trong xác minh danh tính, thiếu liên thông dữ liệu…
Những con số và dữ liệu nói trên không còn là cảnh báo xa vời, mà đã hiện hữu bằng các vụ tai nạn thương tâm gần đây. Đơn cử như vụ va chạm giao thông nghiêm trọng tại nút phía Bắc cầu Dã Viên ngày 24/5. Theo đó, xe khách 29 chỗ do tài xế Nguyễn Nhật Tân điều khiển, rẽ phải lên cầu Dã Viên thì va chạm với xe máy do chị Nguyễn Thị Mỹ Tr. điều khiển, chở theo 3 con nhỏ. Hậu quả, vụ tai nạn làm chị Tr. và con gái 2 tuổi tử vong tại bệnh viện do chấn thương quá nặng. Còn 2 con nhỏ còn lại của chị Tr. bị thương nặng.
Hay vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng 4/6 trên đường tránh phía Tây TP Huế. Thời điểm đó, tài xế Mai Văn Hải điều khiển xe khách tông trực diện vào xe tải do tài xế Vũ Quốc Việt đang lùi xe theo hướng ngược lại. Hậu quả, phụ xe khách tử vong tại chỗ, 5 hành khách bị thương, trong đó có 2 người gãy chân… Qua một số vụ TNGT gần đây, cho thấy, các khu vực giao cắt và tuyến đường tránh đang đứng trước áp lực cần sớm quan tâm, điều chỉnh.
Ngoài vấn đề tín hiệu giao thông, tình trạng biển báo cấm đỗ xe cũng bộc lộ bất cập, trong đó có tuyến đường nhiều làn xe lại cắm biển cấm đỗ trong khi những tuyến nhỏ hẹp lại không cấm, dẫn đến kẹt xe cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm. “Huế là thành phố du lịch, rất nhiều du khách đi xe cá nhân. Nếu chỗ nào cũng cắm biển cấm đỗ, họ sẽ không biết gửi xe ở đâu, gây bất tiện và ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách”, Phó Chủ tịch UBND TP Huế Phan Quý Phương nói và yêu cầu lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng, công nghệ đến chế tài. Trong đó, ứng dụng công nghệ là yêu cầu xuyên suốt, đặc biệt liên thông dữ liệu giữa hệ thống giám sát của địa phương với hệ thống quốc gia theo quy định Bộ Công an và thành phố. Công an TP Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm IOC và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát toàn diện hệ thống camera giao thông để điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả giám sát. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng TP Huế khẩn trương triển khai xây dựng đề án tổng thể chống ùn tắc giao thông, xem đây là đề tài khoa học cấp thành phố.