HOSE và hành trình 25 năm 'Nâng giá trị - vững niềm tin'
Trải qua hành trình 25 năm, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và không ngừng tạo dựng những nền tảng giá trị, đem lại niềm tin bền vững cho ngành chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thị trường cổ phiếu trên HOSE tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản. Ảnh: HOSE
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh – tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) – chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu, quy mô, thanh khoản còn khiêm tốn, nhưng sự kiện này đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển kinh tế – tài chính của đất nước.
Ghi tên vào bản đồ tài chính toàn cầu, nâng cao năng lực hội nhập
HOSE đã chủ động, tích cực hợp tác với các thị trường chứng khoán trên thế giới, thông qua việc thiết lập và duy trì nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược như: Thành viên sáng lập Sáng kiến Liên kết ASEAN, thành viên chính thức của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới, Sở Giao dịch Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương, đối tác của Sáng kiến Sở Giao dịch Chứng khoán phát triển bền vững (SSE); các biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều Sở Giao dịch Chứng khoán lớn trên thế giới như New York, London, Hàn Quốc, Singapore… Đây là nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ đưa HOSE vào bản đồ tài chính toàn cầu, nâng cao năng lực hội nhập.
Nhìn lại những ngày đầu, từ chỉ có 6 công ty chứng khoán thành viên, đến nay, tổng số công ty chứng khoán thành viên kết nối giao dịch đến HOSE là 78 công ty. Cùng với đó, năng lực tài chính của các công ty chứng khoán liên tục được nâng cao. Từ vốn điều lệ chỉ có vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng mỗi công ty, thì đến nay, nhiều công ty chứng khoán đã có vốn điều lệ vượt trên nghìn tỷ đồng. Theo số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của các công ty chứng khoán thành viên, có 45 công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, chiếm 57,7% tổng số công ty chứng khoán.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, ban đầu chỉ có 2 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch (REE và SAM), thì đến cuối tháng 4/2025 có 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 201 mã chứng quyền có bảo đảm, tương ứng với 178,4 tỷ chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE rất đa dạng về ngành nghề và quy mô, tập trung các doanh nghiệp lớn, đầu ngành với hoạt động kinh doanh ổn định.
Việc niêm yết trên HOSE không chỉ là dấu mốc khẳng định vị thế và thương hiệu của doanh nghiệp niêm yết, mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn, trong và ngoài nước. Chính vì vậy, HOSE đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp niêm yết trong chiến lược huy động vốn hiệu quả và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp niêm yết đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2015. Trong vòng 25 năm, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đã vượt 520 nghìn tỷ đồng, với hơn 1.000 đợt phát hành có thu tiền, riêng ngành tài chính đã mang về hơn 230 nghìn tỷ đồng.
Chất lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng được nâng cao. Dữ liệu giai đoạn 2015 – 2024 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian. Các doanh nghiệp niêm yết cũng nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện công bố thông tin đầy đủ và hiệu quả từ HOSE. Doanh nghiệp cũng được khuyến khích tăng cường hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), nâng cao khả năng kết nối với công chúng đầu tư. Một bước tiến đáng chú ý từ năm 2025 là việc 100% doanh nghiệp trên HOSE đã thực hiện công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài và nâng vị thế thị trường.
Tăng giá trị, nâng vị thế
Nhìn lại hành trình 25 năm hình thành và phát triển, một thị trường chứng khoán giao dịch tập trung tiên phong ra đời tại HOSE đã trở thành thị trường chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất cả nước. Thanh khoản của thị trường đã gia tăng mạnh mẽ, từ khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có 55.497 chứng khoán tương ứng với giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng, thì đến nay, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân/ngày lần lượt là 846 triệu chứng khoán và 18.936 tỷ đồng. Những phiên giao dịch trong tháng 7 này, giá trị giao dịch nhiều phiên đã vượt con số 30.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản tại HOSE - thuộc nhóm cao trong khu vực ASEAN.
Với việc Việt Nam có khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.
Chỉ số VN-Index từ 100 điểm tại ngày 28/7/2000, đã tăng đạt 1.531,13 điểm vào ngày 25/7/2025 – một hành trình tăng trưởng đầy ấn tượng và nổi bật so với nhiều chỉ số trong khu vực.
Bước trong bối cảnh đất nước bước sang Kỷ nguyên mới, HOSE đã và đang không ngừng hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ với việc cấu trúc lại các sàn giao dịch, chứng khoán niêm yết ngày càng nhiều và đa dạng, chất lượng được nâng cao, các tổ chức trung gian hỗ trợ tích cực, hạ tầng công nghệ thông tin được đổi mới, hiện đại, nhiều sản phẩm, tiện ích giao dịch được triển khai, có cơ chế giám sát chặt chẽ bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả…
Với sức trẻ tuổi 25 cùng những thành quả đạt được, HOSE được kỳ vọng là nơi đầu tư mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian qua và cả trong tương lai.
Bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE: Dấu ấn 25 năm gắn với sự phát triển của nền kinh tế
Chúng tôi rất tự hào vì HOSE trải qua chặng đường 25 năm thành lập và phát triển nhiều dấu ấn. Dấu ấn từ những ngày đầu tiên, khi chúng ta chỉ có 2 cổ phiếu, tới dấu ấn năm 2006 khi gia nhập WTO đạt được những cú huých đầu tiên, sau đó thăng trầm từ khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường đi ngang trong thời gian dài, thời kỳ Covid – bùng nổ giao dịch trực tuyến, làm nền tảng cho sự bứt phá ngày hôm nay.
Dấu ấn 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, gắn với sự phát triển của nền kinh tế, gắn với sự kiện trọng đại của đất nước, với những thay đổi chính sách. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng các thành viên thị trường đang xây dựng nền tảng tiếp theo của thị trường, nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến thủ tục, gắn IPO với niêm yết… Đây là những điều này đáng mong chờ cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phân Bón Dầu khí Cà Mau: Giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, tăng cường quản trị
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE không chỉ giúp Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nâng cao vị thế trên thị trường vốn, mà còn giúp cho công ty nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, tăng cường sự minh bạch thông tin cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, PVCFC liên tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt bình quân 15%/năm. PVCFC cũng được vinh danh Top 5 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có điểm số quản trị cao nhất, theo kết quả đánh giá của ASEAN Corporate Governance Scorecard (ACGS) 2024 - bộ tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp uy tín hàng đầu khu vực. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận quốc tế cho năng lực quản trị vượt trội của PVCFC, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ với cổ đông, đối tác và cộng đồng về con đường phát triển minh bạch, có trách nhiệm và trường tồn.
Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc khối Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital: Nhiều động lực thu hút dòng vốn nước ngoài
Thị trường chứng khoán đang có chất xúc tác quan trọng là nhiều doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) trong giai đoạn 2026 - 2027. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài là hết sức đáng kể.
Qua nghiên cứu các thị trường khác trong khu vực châu Á, Dragon Capital nhận thấy rằng, trong những giai đoạn mà các quốc gia đang có mức tăng trưởng GDP hai con số và có mức đầu tư khoảng 30 - 40% GDP, tương đương với kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam tại thời điểm hiện tại, thì thị trường chứng khoán chính là kênh tài sản hấp dẫn nhất, có hiệu suất đầu tư cao nhất, có thể lên tới 5 - 10 lần, thậm chí cao nhất tới 12 lần.