Hợp tác xã mang thổ cẩm Việt ra thế giới

Dệt thổ cẩm Hoa Tiến là sản phẩm OCOP của Nghệ An, nhưng vốn quý ấy đã có lúc tưởng chừng mai một vì sự cạnh tranh từ sản phẩm rẻ tiền Trung Quốc.

Được sáng lập từ năm 2010, Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là tâm huyết của bà Sầm Thị Bích nhằm lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ nơi đây.

Đã có lúc, hoạt động của HTX Hoa Tiến èo uột vì phải cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc. Nhưng với sự tâm huyết và mong muốn phát triển nghề dệt truyền thống, Ban Giám đốc HTX đã nghiên cứu và nhận ra nguyên nhân khiến Hoa Tiến ngày một khó là do sự lạc hậu trong sản xuất.

Công cụ sản xuất quá thô sơ, nguồn nguyên liệu sợi không bảo đảm, mẫu mã đơn giản, kém hấp dẫn, màu sắc của sản phẩm không bền và thiếu sự đồng đều…

Những người đứng đầu HTX đã liên kết với chính quyền địa phương, xin hỗ trợ vốn và vay thêm vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. HTX đã tập huấn để các hộ dân nắm được kỹ thuật trồng và thu hoạch dâu đúng cách…

Các thành viên của HTX Hoa Tiến đang dệt thổ cẩm.

Các thành viên của HTX Hoa Tiến đang dệt thổ cẩm.

Thay vì nhuộm thủ công, HTX đầu tư máy móc và chuyển giao công nghệ nhuộm cho thành viên nhằm giúp nâng cao chất lượng nhuộm tự nhiên cho sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX giữ được độ bền đẹp. Đặc biệt, với phương pháp này, nước thải sau khi dệt nhuộm hầu như không có chất độc hại với môi trường và sức khỏe con người.

Không dừng lại ở đó, HTX còn chú trọng tạo ra mẫu mã mới, sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. HTX tham gia hội chợ về thủ công mỹ nghệ trong cả nước để kết nối với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị thổ cẩm bền vững, thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ phát triển sản xuất. Sản phẩm của HTX không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn.

Mang thổ cẩm vươn xa

Hoa Tiến được mệnh danh là một trong những cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Các cô gái Thái được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa vốn là các công việc mà họ đều hết sức thuần thục như một bảo chứng cho sự trưởng thành.

Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, khăn piêu…phục vụ bản thân và gia đình.

Người lao động của HTX Hoa Tiến đang tiến hành dệt thổ cấm để xuất ngoại.

Người lao động của HTX Hoa Tiến đang tiến hành dệt thổ cấm để xuất ngoại.

Chị Sầm Thị Tình chia sẻ, chị Tình đã tìm cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm với những giá trị văn hóa truyền thống tới thị trường trong nước và quốc tế bằng việc mang sản phẩm của HTX Hoa Tiến lên nhiều kênh online, giới thiệu đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 2015, theo gương mẹ, chị mở cửa hàng thổ cẩm tại Hà Nội, với tên giao dịch tiếng Anh: Hoa Tien Brocade.

Đây là bước khởi nghiệp quan trọng quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ HTX và các dân tộc ở nhiều địa phương khác.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, tháng 9/2022, chị Sầm Thị Tình đăng ký tham gia trưng bày một gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm bên lề Hội thảo nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN (TTAS), do nước chủ nhà Malaysia đăng cai, tổ chức tại thủ đô Putrajaya. Tại đây, gian hàng Hoa Tiến đã bán được nhiều sản phẩm.

Cũng từ đây, các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến đã bắt đầu “xuất ngoại” tới nhiều nơi trên thế giới.

Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn trong nước và được bán ở các nước Pháp, Đức, Nhật, Lào…

Thu nhập bình quân của chị em trong HTX từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX là 500 triệu đồng.

PHƯƠNG NAM

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hop-tac-xa-mang-tho-cam-viet-ra-the-gioi-ar827240.html
Zalo