Hợp tác kinh tế, thương mại trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Israel
Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, với đà tăng hiện nay, ước tính cả năm 2024 giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Israel có thể đạt trên 3,10 tỷ USD.
Năm 2024 là một năm đầy khó khăn, bất ổn, biến động và xáo trộn đối với thị trường Israel, với những điểm nổi bật được truyền thông quốc tế thường xuyên đưa tin phản ánh liên tục như: Cuộc chiến khốc liệt với lực lượng Hamas ở dải Gaza chưa có dấu hiệu ngừng lại; bùng nổ chiến tranh với lực lượng Hezbollah ở Lebanon; các cuộc tấn công bằng đường hàng không qua lại lẫn nhau (sử dụng tên lửa tầm xa/đạn đạo, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu) giữa Israel và Iran cũng như giữa Israel và lực lượng Houthis ở Yemen diễn ra căng thẳng; leo thang trong quan hệ dẫn tới bùng nổ chiến tranh thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và hai bên tiến hành trả đũa lẫn nhau; lực lượng Houthis ở Yemen liên tục tấn công, bắt giữ các tầu chở hàng có nguồn gốc Israel, đi từ và đến Israel ở trên Biển Đỏ nhằm phản đối Israel tấn công vào dải Gaza; hàng loạt các cuộc biểu tình đông người liên tục xảy ra ở trong nước phản đối chính phủ không có biện pháp hữu hiệu giải cứu các con tin bị bắt đưa về giam giữ tại dải Gaza; một số cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế liên tục hạ thấp mức xếp hạng và cảnh báo triển vọng tiêu cực nền kinh tế Israel….
Cùng với gánh nặng chi phí phục vụ cho chiến tranh, những yếu tố nói trên đã tác động tiêu cực và góp phần làm cho kinh tế Israel trong năm qua gặp nhiều khó khăn, phần nào bị đứt gãy nguồn cung hàng hóa từ nước ngoài-nhất là nguồn cung cấp quan trọng từ Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù dự trữ ngoại hối vẫn gia tăng.
Ngân hàng Trung ương Israel dự báo, cả năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 0,5%, thâm hụt ngân sách đứng ở mức 7,2% (cao hơn giới hạn mục tiêu kiểm soát 6,6% đặt ra từ đầu năm), nợ công tăng gần 68% GDP, lạm phát tăng 3,8% (vượt biên độ mục tiêu từ 1%-3%), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ suy giảm… (thậm chí, một vài cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đưa dự báo với các chỉ số liên quan mang tính ảm đạm hơn). Bộ Tài chính Israel dự kiến có thể tăng thuế VAT lên 18,5% kể từ ngày 01/01/2025 (chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc tăng lên 18% từ mức hiện hành 17%) để có đủ nguồn thu phục vụ cho các khoản chi tiêu của chính phủ.
Bộ Tài chính Israel cũng đã thông báo sẽ áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu toàn cầu 15% kể từ năm 2026, theo như chương trình của OECD. Giá cả hàng hóa thiết yếu và dịch vụ cơ bản tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn và phức tạp đó ở thị trường sở tại, với sự quyết liệt của các đơn vị hữu quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hợp tác chuyên ngành nhằm đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường Israel; các hoạt động tích cực của thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel về tăng cường công tác phát triển thị trường, ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, hội thảo doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh thị trường và sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kết nối các cơ hội giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vận động các doanh nghiệp mua hàng/nhà nhập khẩu Israel vào Việt Nam tham dự các sự kiện hội chợ-triển lãm thương mại quốc tế và trực tiếp gặp gỡ/giao dịch/đàm phán/ký kết hợp đồng mua hàng với các nhà sản xuất/nhà cung cấp trong nước; những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam về khai phá thị trường và tìm kiếm bạn hàng mới tại Israel, hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Israel trong năm 2024 đã có bước phát triển vượt bậc và có thể kể tới một số kết quả nổi bật, tăng trưởng ngoạn mục như nêu dưới đây.
Năm 2024 là năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) được Chính phủ hai bên phê duyệt và đưa vào có hiệu lực thực thi trong thực tế. Trước đó, Hệp định VIFTA đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nir Barkat đại diện cho hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023, sau 7 năm với 12 Phiên đàm phán liên tục. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã bày tỏ quan tâm tích cực tới việc Hiệp định VIFTA được đưa vào triển khai thực hiện, tạo khuôn khổ pháp ly quan trọng về mở cửa thị trường và đối với các hoạt động của doanh nghiệp cũng như điều kiện thuận lợi cho hàng hóa mỗi bên xâm nhập thị trường của nhau.
Nhiều doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới làm ăn với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, tích cực đi sang Việt Nam để tìm kiếm các nguồn cung cấp hàng hóa, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cho thị trường Israel bị đứt gãy do tác động ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh hiện nay cũng như cuộc chiến thương mại giữa Israel với Thổ Nhĩ Kỳ và việc lực lượng Houthis kiểm soát/tấn công bắt giữ các tầu chở hàng trên Biển Đỏ đi và đến từ Israel.
Về trao đổi thương mại hàng hóa, theo số liệu thống kê mới nhất, trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 2,578 tỷ USD, tăng 12,92%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 676 triệu USD, tăng 23,4%, và nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,902 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, nếu tình hình thị trường không có biến động đột xuất, trao đổi thương mại song phương trong cả năm 2024 có thể đạt trên 3,10 tỷ USD và vượt mục tiêu 3,0 tỷ USD đặt ra tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/8/2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 850 triệu USD, ước tăng 34,71% so với năm 2023, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 2,25 tỷ USD.
Với dung lượng thị trường khiêm tốn, quy mô dân số chưa đến 10 triệu người, có khả năng thanh toán cao, tính đến nay, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Cô-oét, UAE), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Cô-oét) tại khu vực Tây Á (Trung Đông). Ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau, những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, hiện có khoảng 70 diện mặt hàng được xuất khẩu sang Israel, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm nay gồm: Điện thoại và linh kiện các loại đạt 218,1 triệu USD, tăng 24,5%; thủy sản đạt 89,6 triệu USD, tăng 41,4%; giày dép các loại đạt 56,7 triệu USD, tăng 8,3%; hạt điều đạt 53,6 triệu USD, tăng 25,2%; hàng dệt may đạt 33,7 triệu USD, tăng 38,8%, cà phê đạt 26,8 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, thủy hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Israel và đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường này, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao và ưa chuộng. Trong thực tế, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á (Trung Đông) và đứng thứ 16 trong danh sách hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2024.
Những năm qua, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Israel đạt kim ngạch khoảng 90 triệu USD/năm và con số này tiếp tục có xu hướng gia tăng do nhu cầu nhập khẩu của Israel ngày càng nhiều đối với mặt hàng này để đáp ứng tiêu dùng của người dân ở trong nước (bao gồm các nhóm tiêu dùng khác nhau như người Do Thái, người Ả-rập, người lao động nước ngoài gốc châu Phi và gốc châu Á). Theo Cơ quan quản ly chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế Israel cho biết, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Israel hàng năm chiếm khoảng 12-13% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy hải sản của Israel và triển vọng tăng trưởng nhập khẩu đối với nhóm hàng thủy sản là khá lớn trong thời gian tới.
Các mặt hàng thủy hải sản cụ thể của Việt Nam xuất khẩu sang Israel bao gồm: Cá ngừ đóng hộp, tôm đông lạnh (tôm sú và các loại tôm khác qua chế biến, bóc vỏ, hấp chín), mực đông lạnh, cá tra, cá basa, cá diêu hồng, một số loại cá có vảy khác… Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 56,7 triệu USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 6,91% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước; Israel thuộc nhóm Top 5 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (đứng thứ 2, sau Mỹ, đối với cá ngừ mã HS16, và đứng thứ 4, sau Mỹ, Nga, Canada, đối với cá ngừ mã HS03). Nhìn chung, hàng năm, Israel luôn là thị trường xuất khẩu cá ngừ thuộc Top 10 thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 17,93 triệu USD, tăng 36,0% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 0,56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Xuất khẩu mực đông lạnh đạt 7,08 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước đó và chiếm tỷ trọng 1,34% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; Israel đứng thứ 7 (sau Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Malaysia), trong số 10 thị trường xuất khẩu mực đông lạnh lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra đạt 5,93 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Ngoài thủy hải sản như nói ở trên, xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu khác trong 10 tháng đầu năm nay như điện thoại di động, giày dép các loại, hạt điều, hàng dệt may, cà phê cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đây cũng là những mặt hàng được người tiêu dùng ở Israel tin dùng. Israel đang đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn cung ứng từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, để thay thế cho nguồn bị đứt gãy từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các doanh nghiệp Israel đang tích cực quan tâm tới tìm kiếm bạn hàng và các nhà sản xuất Việt Nam để tăng cường nhập khẩu đối với các nhóm mặt hàng như: Lương thực thực phẩm và nông sản (gạo, mỳ, cơm dừa, cá ngừ đóng hộp, nước chấm/sốt, hoa quả đóng hộp và sấy khô, nước giải khát các loại, bánh kẹo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gia vị, tôm, cá, mực, cá đóng hộp...), hàng gia dụng và tiêu dùng (quần áo, giày dép, đồ thể thao, sản phẩm nhựa, thiết bị gia đình, dây cáp điện, sản phẩm nhựa và chất dẻo, cao su và các sản phẩm liên quan đến cao su…), hàng thiết bị điện tử (máy hút bụi, điều hòa nhiệt độ…), vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch ốp lát, ván lát sàn, thiết bị vệ sinh, bồn cầu, bồn tắm, chậu rửa, ống nước, vòi nước, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm thủy tinh các loại, xi măng, thạch cao, kính xây dựng, đá ốp marble và granite…) để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở trong nước.
Theo số liệu của Israel, mỗi năm, Israel nhập khẩu mặt hàng gạo với trị giá trên dưới 130 triệu USD. Năm 2023, Israel đã nhập khẩu khoảng 2,12 triệu USD đối với mặt hàng gạo xay xát từ Việt Nam. Thống kê mới nhất của phía Israel cho thấy, trong tháng 6/2024, Israel nhập khẩu mặt hàng gạo đạt trị giá 17,92 triệu USD, tăng 24,01% so với tháng trước đó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo của Israel đạt 81,36 triệu USD, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 5 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Israel là Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam.
Đối với mặt hàng gạo của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm gạo thơm, hạt dài, 5% tấm, đóng bao 5 kg hoặc bao 20 kg, tiếp tục xâm nhập ổn định vào thị trường Israel với số lượng và trị giá bước đầu khiêm tốn, đã được phân phối khá rộng rãi trên thị trường để phục vụ người lao động và người gốc châu Á. Bên cạnh đó, hạt tiêu của Việt Nam vẫn tiếp tục được nhập khẩu đều đặn vào Israel và luôn được người tiêu dùng sở tại ưa thích.
Ngược lại, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ Israel gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,78 tỷ USD, tăng 9,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 59,4 triệu USD, tăng 53,6%; phân bón các loại đạt 31,6 triệu USD, tăng 30,7%; và rau củ quả đạt 4,29 triệu USD, tăng 36,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Việt Nam thường nhập khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá lớn, thời gian qua đạt xấp xỉ gần 2,0 tỷ USD/năm. Đây chủ yếu là mặt hàng bo mạch điện tử được các công ty đầu tư liên doanh nước ngoài ở các khu công nghiệp tiến hành nhập khẩu từ Israel, do là mặt hàng thế mạnh của quốc gia này, trong chuỗi hệ thống của họ đưa về Việt Nam làm nguyên vật liệu đầu vào để lắp ráp, sản xuất thành sản phẩm hoàn chỉnh và sau đó xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đối với mặt hàng phân bón và nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu tương ứng khoảng từ 30 triệu USD đến 60 triệu USD để phục vụ nhu cầu sản xuất ở trong nước, do Israel cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có thế mạnh đối với những mặt hàng này.
Nhìn chung, trong hoạt động trao đổi thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc, giao dịch nhanh. Đặc biệt, các doanh nghiệpIsrael luôn chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau, có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao và cơ bản sòng phẳng, sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, thường tiếp cận đối tác cung cấp riêng biệt theo nhóm lẻ và tránh đi theo nhóm đông, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian.
Mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn nhưng nhu cầu nhập khẩu khá lớn, vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm. Ngoài ra, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn/thích mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng, để mang về đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel.
Về hợp tác đầu tư, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 9/2024, Israel có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới (vốn tăng thêm và vốn góp) là 2,531 triệu USD tại Việt Nam (cụ thể, có 3 dự án FDI với số vốn 2,006 triệu USD đăng ky cấp mới và có 8 lượt góp vốn/mua cổ phần với số tiền 0,525 triệu USD).
Tính chung lũy kế đến hết tháng 9/2024, Israel có 44 dự án với tổng số vốn FDI 153,3 triệu USD tại Việt Nam, đứng thứ 43 trong số 153 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào nước ta. Theo số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài chính thức, cho đến nay, Israel là nhà đầu tư lớn thứ 2 (sau Thổ Nhĩ Kỳ) tại khu vực Tây Á (Trung Đông) vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Israel vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực, theo thứ tự từ cao xuống thấp, như công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghệ thông tin, môi trường, xử lý nước thải, bất động sản du lịch… Theo địa bàn đầu tư, Israel đã có đầu tư tại trên dưới 06 tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Tỉnh Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh An Giang, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Đồng Nai…
Có thể kể tới một số dự án đầu tư tiêu biểu của Israel tại Việt Nam bao gồm: Nhà máy dệt - nhuộm - may Delta Galil Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 26/01/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 54,42 triệu USD, với nhà đầu tư là Công ty Delta Galil Industries Ltd; Dự án Sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt (trong đó có nhuộm), sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất trang phục dệt kim, đan móc…., với doanh thu trong các năm dự kiến đạt khoảng 24.000.000 đô la Mỹ, tương đương 28.000.000 sản phẩm/năm.
Một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel cũng đang quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như: Hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, tự động kiểm soát theo dõi các phương tiện giao thông hoạt động trên đường cao tốc và trong nội đô thành phố, công nghệ sản xuất năng lượng sạch, công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo, đầu tư vào các dự án năng lượng điện mặt trời, công nghệ cao....
Ngược lại, Việt Nam đã bước đầu có đầu tư sang Israel. Thời gian qua, đã có doanh nghiệp của ta thực hiện dự án đầu tư vào Israel. Cụ thể, Công ty CP Giải pháp Năng lượng Vines, thuộc Tập đoàn Vingroup, đã duy trì đầu tư 40 triệu USD (trong dự án đầu tư 65 triệu USD) sang Israel theo hình thức mua 5% cổ phần của Công ty StoreDot-Israel chuyên sản xuất pin xạc nhanh cho xe ôtô điện, và hiện nay dự án này đang hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, theo một số thông tin, Tập đoàn Vingroup, thông qua chi nhánh ở Singapore, cũng từng có kế hoạch đầu tư 8 triệu USD theo hình thức đầu tư khởi nghiệp/startup vào công ty vận hành xe ôtô tự lái ở Israel. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, công ty công nghệ thông tin của Việt Nam như Viettel, FPT… cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác liên doanh liên kết với các đối tác Israel trong các hoạt động chuyên ngành như phát triển các sản phẩm về an ninh mạng, giải pháp phần mềm…, do đây là những thế mạnh của Israel mà phía ta cần tranh thủ cơ hội tận dụng. Một số công ty khác của Việt Nam cũng đã và đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư theo hình thức startup/khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm… trong lĩnh vực công nghệ tại Israel.
Kết quả hoạt động năm 2024 tạo tiền đề quan trọng cho triển vọng mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong 2025 và những năm tới đây, sau khi tình hình an ninh, chính trị và xã hội tại địa bàn Israel ổn định trở lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà sản xuất và đầu tư Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tại thị trường Israel cũng như diễn biến ở khu vực và tranh thủ tìm kiếm các cơ hội đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh doanh/đầu tư với các đối tác Israel, trong đó có việc tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa có bảo hiểm rủi ro sang thị trường này, vì lợi ích chính đáng của mỗi bên.