Hợp Kim căng sức chống dịch tả lợn châu Phi
Trong khi còn chưa khắc phục xong hậu quả do mưa lớn, sạt lở gây ra vào đầu tháng 7/2025, xã Hợp Kim lại phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát mạnh, lan rộng ở nhiều xóm, đẩy người dân vào tình thế vừa chống thiên tai, vừa dập dịch trên gia súc.

Để phòng, chống dịch bệnh, xã Hợp Kim đã tăng cường công tác khử trùng người và phương tiện ra vào vùng có dịch.
Gần 400 con lợn bị tiêu hủy, dịch lan nhanh
Theo thông tin từ UBND xã Hợp Kim, DTLCP xuất hiện rải rác từ cuối tháng 6, nhưng bắt đầu bùng phát rõ rệt từ đầu tháng 7. Các xóm như Mõ, Nà Bờ, Đồi Bổi, Bình Tân, Nước Ruộng trở thành các ổ dịch trọng điểm. Trong khi chính quyền địa phương đang căng mình kiểm soát dịch bệnh, từ ngày 30/6 đến 4/7, trên địa bàn xã Hợp Kim có mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Một vụ sét đánh tại xóm Bình Tân đã khiến toàn bộ hệ thống điện, thiết bị Nhà văn hóa xóm và một số hộ dân bị hư hỏng nặng.
Cùng lúc, sạt lở đất xảy ra tại xóm Nước Ruộng và Nam Thượng, ảnh hưởng trực tiếp đến đất canh tác và nhà cửa của nhiều hộ dân. Trong lúc người dân và chính quyền đang tập trung xử lý hậu quả thiên tai, thì DTLCP bùng phát trở lại, tấn công các hộ chăn nuôi trên diện rộng. DTLCP tuy không lây sang người nhưng có khả năng lây lan rất nhanh qua đường tiếp xúc, dụng cụ chăn nuôi, thậm chí qua nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh. Đặc biệt, sau đợt mưa kéo dài, điều kiện vệ sinh chuồng trại xuống cấp, hệ thống cống rãnh bị ách tắc, khiến dịch dễ lan rộng hơn.
Đứng trước chuồng lợn trống trơn ông Bùi Văn Ơn, xóm Nà Bờ là một trong những hộ thiệt hại nặng nhất xóm thở dài: Chỉ trong 2 ngày là đàn lợn chết cả loạt. Có cả những con lợn đang khỏe mạnh, sắp đến ngày xuất chuồng, giờ thì mất trắng. Tại xóm Bình Tân, bà Bùi Thị Ban cho biết: Bây giờ lợn chết, chuồng trống, chăn nuôi, tái đàn lại từ đầu cũng sẽ rất khó khăn. Không riêng gì các hộ nhỏ lẻ, một số hộ chăn nuôi quy mô vừa như ông Quách Công Đức ở xóm Bình Tân, ông Bùi Văn Quynh ở xóm Nước Ruộng cũng phải tiêu hủy cả đàn. Nhìn về phía dãy chuồng trống trơn, ông Quynh thẫn thờ: Dịch về đột ngột. Lợn ăn khỏe buổi sáng, chiều đã sốt, bỏ ăn, rồi chết. Giờ tôi vẫn sốc và xót đến thắt ruột khi nhìn cả đàn lợn phải đưa đi tiêu hủy.

Xã Hợp Kim phải sử dụng phương tiện cơ giới để đào hố tiêu hủy số lợn chết vì bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng chí Đinh Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Hợp Kim cho biết: DTLCP trên địa bàn xã bắt đầu xuất hiện và được công bố vào ngày 17/6. Tính đến ngày 15/7, dịch đã lan ra 58 hộ thuộc 6 xóm, gồm Đồi Bổi, Báy, Nà Bờ, Mõ, Nước Ruộng và Bình Tân; xã buộc phải tiêu hủy 398 con lợn, tổng trọng lượng 22.804kg. Trong đó, giai đoạn từ ngày 17/6 đến 30/6, toàn xã có 25 hộ ở 3 xóm gồm Đồi Bổi, Báy, Nà Bờ phát hiện lợn mắc bệnh. Số lợn tiêu hủy lên đến 235 con, tương đương 10.633kg. Giai đoạn từ ngày 1/7 đến 15/7, dịch bệnh tiếp tục lây lan thêm 3 xóm gồm Mõ, Nước Ruộng và Bình Tân, với 33 hộ phát hiện lợn bệnh, tổng số lợn bị tiêu hủy là 163 con, tương đương 12.171kg.
Trước thực trạng đó, UBND xã Hợp Kim đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn về phòng, chống dịch; thành lập Ban chỉ đạo riêng về DTLCP; đồng thời cử các tổ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Môi trường để lấy mẫu xét nghiệm và xử lý các ổ dịch.
Người dân lo lắng, chính quyền thiếu lực
Việc DTLCP lan nhanh, trong khi thời tiết vẫn còn nhiều biến động, khiến nhiều người dân rơi vào tình trạng hoang mang, lo sợ. Nhiều hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ đã chọn cách “bán tháo” lợn dù chưa đến kỳ xuất chuồng, nhằm hạn chế rủi ro khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
Thực trạng trên đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Tùng chia sẻ thêm: Sau khi hợp nhất các xã Kim Lập, Nam Thượng và Sào Báy, địa bàn xã Hợp Kim rộng, dân cư sống trải dài, dàn trải theo các địa bàn. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên môn của xã còn thiếu, không thể bao quát toàn bộ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn chưa có ý thức tốt trong việc khai báo dịch, dẫn đến việc tiêu hủy lợn không đúng quy trình kỹ thuật. Trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác in ấn và cấp giấy chứng nhận phục vụ hỗ trợ người dân còn hạn chế, gây chậm trễ trong việc lập biên bản và hoàn thiện hồ sơ. Thực tế này khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại chưa được lập biên bản đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được hỗ trợ của người dân sau khi dịch qua đi.

Nhiều hộ gia đình ở xóm Nam Thượng, xã Hợp Kim bị thiệt hại cả đàn do dịch tả lợn châu Phi.
Để giải quyết vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND xã Hợp Kim cũng đã kiến nghị các sở, ngành, cơ quan chuyên môn và UBND tỉnh tăng cường hỗ trợ về nhân lực chuyên môn, thiết bị xét nghiệm, hóa chất khử trùng, cũng như xem xét phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy.