Hong Kong trở lại vị trí thị trường IPO số một toàn cầu

Số liệu từ Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2025, hoạt động huy động vốn qua IPO tại Hong Kong đã đạt 107,1 tỷ HKD (13,6 tỷ USD) từ 44 thương vụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một loạt các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô lớn của các công ty Trung Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) kể từ đầu năm đã giúp thành phố này khôi phục lại phần nào vị thế là điểm đến huy động vốn lớn nhất thế giới.

Số liệu từ Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2025, hoạt động huy động vốn qua IPO tại Hong Kong đã đạt 107,1 tỷ HKD (13,6 tỷ USD) từ 44 thương vụ.

Con số này vượt xa cả Nasdaq và Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), đưa HKEX lên vị trí dẫn đầu các sàn giao dịch toàn cầu trong nửa đầu năm 2025 và đánh dấu hiệu suất giữa năm tốt nhất kể từ năm 2016.

Một phát ngôn viên của HKEX đã dẫn lại xác nhận từ nhiều nhà cung cấp số liệu bao gồm Dealogic, KPMG và EY để khẳng định vị trí số một của sàn này.

Thương vụ lớn nhất trong giai đoạn này là đợt IPO trị giá 5,3 tỷ USD của nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc Contemporary Amperex Technology vào tháng Năm.

Tiếp theo là thương vụ huy động 9,9 tỷ HKD của hãng dược phẩm Trung Quốc Jiangsu Hengrui Pharmaceuticals cũng diễn ra trong tháng Năm, cùng đợt IPO trị giá 9,4 tỷ HKD của nhà sản xuất gia vị lớn nhất Trung Quốc, Foshan Haitian Flavouring & Food, vào tháng Sáu.

Tốc độ huy động vốn sôi động này được hỗ trợ bởi làn sóng "về nhà" của các công ty Trung Quốc đại lục đã niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, chủ yếu là tại Mỹ.

Ông Perris Lee, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn cổ phần tại công ty giải pháp tài chính Ion Analytics, cho biết trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung những năm gần đây không mấy êm ả, nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã tìm cách "về nhà" tại Hong Kong.

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng hầu hết các công ty lớn có thể niêm yết thứ cấp đều đã làm vậy.

Ngoài ra, ông Lee cũng cho rằng công nghệ sẽ là trung tâm của nhiều thương vụ IPO tại Hong Kong trong thời gian tới - phần lớn nhờ vào sự lạc quan lấy cảm hứng từ công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc DeepSeek.

Tâm lý lạc quan này có thể lan sang cả các ngành khác như chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng.

Dòng vốn cũng là một yếu tố quan trọng. Ông James Wang, người đứng đầu bộ phận chiến lược Trung Quốc tại nhánh nghiên cứu thị trường của ngân hàng UBS, cho rằng mặc dù tổng số tiền huy động từ IPO năm nay vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2020, nhưng dòng vốn ròng chảy về phía Nam (southbound) lại đạt mức kỷ lục. Chỉ riêng trong quý I/2025, dòng vốn này đã đạt 400 tỷ HKD.

Ông Wang lý giải điều này là do chất lượng công ty niêm yết được nâng cao, các quy định IPO tại Trung Quốc đại lục thắt chặt hơn, tính thanh khoản tại Hong Kong cải thiện, cùng sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các tài sản cốt lõi của Trung Quốc như cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện BYD, tập đoàn công nghệ Tencent và “ông lớn” Alibaba.

Triển vọng trước mắt của Hong Kong rất tươi sáng với một danh sách dài các công ty chờ niêm yết kéo dài sang cả năm sau. Tính đến ngày 30/6, HKEX cho biết đã phê duyệt cho 16 công ty và đang xử lý hồ sơ của 176 công ty khác.

Dựa trên bối cảnh này, Deloitte dự kiến các công ty sẽ huy động được 200 tỷ HKD thông qua 80 thương vụ IPO tại Hong Kong cho đến cuối năm nay.

Ông Tony Huang, lãnh đạo bộ phận phát hành cổ phiếu hàng A tại Deloitte Trung Quốc nhận định rằng sự hỗ trợ của chính phủ đối với các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sẽ khuyến khích các công ty thuộc lực lượng sản xuất chất lượng mới - như công nghệ và năng lượng mới - huy động vốn trên thị trường trong nửa cuối năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hong-kong-tro-lai-vi-tri-thi-truong-ipo-so-mot-toan-cau-post1050793.vnp
Zalo