Hơn 10% nhân công trong các nhà máy Hàn Quốc là robot
Hàn Quốc dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi lực lượng lao động từ con người sang robot, với tỷ lệ 1.012 robot/10.000 nhân viên.
TechCrunch dẫn báo cáo World Robotics 2024 của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) công bố mới đây, trong năm 2023, việc sử dụng robot trong sản xuất trên toàn cầu có mật độ 162 robot/10.000 nhân viên, gấp đôi so với năm 2016.
Theo báo cáo, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi lực lượng lao động từ con người sang robot, với tỷ lệ 1.012 robot/10.000 nhân viên, điều này có nghĩa là robot đang thay thế hơn 10% lực lượng lao động của Hàn Quốc.
Singapore đứng thứ hai với 770 robot/10.000 nhân viên. Theo sau là Trung Quốc với 470 robot/10.000 nhân viên. Mỹ đứng cuối trong Top 10 quốc gia với 295 robot/10.000 nhân viên.
Ông Takayuki Ito, Chủ tịch IFR cho biết trong báo cáo: “Hàn Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này không chỉ thể hiện năng lực công nghệ mà còn phản ánh chiến lược đầu tư dài hạn vào hạ tầng sản xuất thông minh. Đây là minh chứng cho sự chuyển đổi toàn cầu hướng tới các mô hình sản xuất bền vững và hiệu quả”.
Đầu năm nay, Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư 2,3 tỷ USD vào lĩnh vực robot đến năm 2030 để đạt mục tiêu cung cấp một triệu robot cho các ngành công nghiệp trong nước. Đây là một trong những nỗ lực giải quyết tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm do tỷ lệ sinh thấp.
Kế hoạch phát triển robot thông minh sẽ tập trung vào việc đảm bảo đến năm 2030, Hàn Quốc có thể tự sản xuất 80% các bộ phận quan trọng của robot, gấp đôi so với mức ước tính 44% hiện nay.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển lĩnh vực chế tạo robot và đào tạo 15.000 chuyên gia. Dự kiến, kế hoạch này sẽ giúp tăng quy mô ngành chế tạo robot trong nước từ 3 tỷ USD vào năm 2021 lên 14,3 tỷ USD vào năm 2030.
“Sáng kiến phác thảo hướng phát triển cho ngành công nghiệp robot trong các ngành công nghiệp chính, từ sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, hậu cần, chăm sóc sức khỏe, cho tới quốc phòng, an toàn xã hội," Cục Quản lý thương mại quốc tế Hàn Quốc nói trong một tuyên bố hồi tháng 8/2024.
Chẳng hạn, việc áp dụng robot vào sản xuất tại các nhà máy lớn như LG ở Changwon, Hàn Quốc, đã chứng minh hiệu quả vượt trội. Robot giúp duy trì năng suất ổn định, loại bỏ rủi ro đình công và giảm thiểu các chi phí nhân sự.
Chủ tịch IFR dự báo, tốc độ áp dụng robot trong sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong những năm tới do các quốc gia đang nỗ lực nâng cao mức độ tự động hóa để cải thiện năng suất và cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, ông Takayuki Ito cho rằng, sự gia tăng tự động hóa cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của con người trong lực lượng lao động tương lai, đặc biệt trong những ngành phụ thuộc vào sản xuất thủ công. Tình trạng này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, bởi máy móc sẽ thay thế những vai trò mà con người thường đảm nhiệm.