Hojlund không bùng nổ là ra rìa ở MU
Chỉ là một trận giao hữu tại MetLife, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 2026, nhưng với Rasmus Hojlund, đây chẳng khác gì một trận 'chung kết' định đoạt vị thế.

Tiền đạo 22 tuổi này cần chứng minh rằng anh xứng đáng được HLV Ruben Amorim tiếp tục đặt niềm tin trên hàng công Manchester United. Trong bối cảnh đội bóng vừa chi hơn 120 triệu bảng cho các phương án tấn công, nhưng vẫn thiếu một trung phong đẳng cấp, Hojlund đang ở trong tình thế bị thử thách nghiệt ngã.
Bài toán “số 9” và cơn khát bàn thắng
Mùa giải 2024/25, Man Utd kết thúc ở vị trí thứ 15 Premier League - thứ hạng tệ nhất kể từ năm 1974, kèm theo thất bại đau đớn trước Tottenham ở chung kết Europa League. Một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là hàng công thiếu sức sống. Man United chỉ ghi vỏn vẹn 44 bàn sau 38 vòng đấu - hiệu suất 1,15 bàn/trận, đứng thứ 17 trong toàn giải, thấp hơn cả những đội bóng như Fulham hay Wolves.
Con số đó càng khiến Ruben Amorim đau đầu khi ông buộc phải cải tổ triệt để hàng công. Man Utd theo đuổi Liam Delap nhưng thất bại - tiền đạo trẻ người Anh chọn Chelsea. Viktor Gyokeres - học trò cũ của Amorim tại Sporting, người ghi 54 bàn sau 52 trận mùa trước - cũng bỏ rơi “Quỷ đỏ” để gia nhập Arsenal với giá 64 triệu bảng. Trong bối cảnh đó, Man United vẫn đang “đánh bạc” với Hojlund.
Gia nhập Old Trafford từ Atalanta với mức giá 72 triệu bảng hè 2023, Hojlund được kỳ vọng trở thành “Haaland của Man Utd”. Nhưng sau hai mùa giải, những gì anh để lại là 26 bàn sau 95 trận, trung bình 0,27 bàn/trận - tức mất hơn 3,7 trận mới ghi được 1 bàn. Đáng nói, nếu loại bỏ hai chuỗi phong độ cao điểm (8 bàn/8 trận ở mùa 2023/24 và 5 bàn/4 trận mùa 2024/25), Hojlund chỉ còn 13 bàn sau 83 trận - hiệu suất quá thấp cho một tiền đạo trị giá hơn 70 triệu bảng.

Điểm cộng của Hojlund là tinh thần chiến đấu và khả năng gây sức ép. Anh sở hữu tỷ lệ tranh chấp thành công 46% - cao hơn so với Nicolas Jackson (42%) của Chelsea - nhưng điều Man Utd cần là bàn thắng. Ở mùa giải vừa rồi, Hojlund tung ra 62 cú dứt điểm trong Premier League nhưng chỉ 18 lần đưa bóng trúng đích, đạt tỷ lệ chính xác 29% - một con số quá khiêm tốn nếu so với Ollie Watkins của Aston Villa (51%).
Man Utd và thế bí trên thị trường chuyển nhượng
Man United không thiếu mục tiêu. Họ từng đàm phán với Aston Villa cho Watkins - người ghi 75 bàn trong 184 trận Premier League, tương đương hiệu suất 0,41 bàn/trận - nhưng bị từ chối thẳng thừng. Chelsea cũng không muốn nhả Nicolas Jackson, dù anh vừa trải qua mùa giải “nửa nạc nửa mỡ” với 17 bàn nhưng cũng bỏ lỡ tới 18 cơ hội rõ ràng.
Các lựa chọn khác như Randal Kolo Muani (PSG), Benjamin Sesko (RB Leipzig) hay Moise Kean (Fiorentina) đều tiềm ẩn rủi ro, trong khi các tiền đạo tự do như Dominic Calvert-Lewin hay Jamie Vardy không phải là giải pháp dài hạn. Ngân sách của United cũng không dư dả, khi họ chỉ mới thu về khoảng 30 triệu bảng từ các vụ Alvaro Carreras, Anthony Elanga và Maxi Oyedele, cộng với việc Barcelona chi trả lương cho Marcus Rashford theo hợp đồng cho mượn.
Ruben Amorim, trong những phát biểu gần đây, vẫn nhấn mạnh niềm tin vào Hojlund. Ông cho rằng tiền đạo người Đan Mạch có thể kết hợp với hai tân binh Bryan Mbeumo và Matheus Cunha - những người sở hữu khả năng hoán đổi vị trí giữa vai trò số 9 ảo và tiền đạo thứ hai.
Amorim thậm chí tính toán kéo Bruno Fernandes lùi sâu hơn, đóng vai trò nhạc trưởng từ tuyến hai, thay vì bó buộc anh ở vai trò số 10 bị kèm chặt. “Nếu có mối đe dọa từ Rasmus, Matheus và Mbeumo ở phía trên, Bruno sẽ có nhiều khoảng trống để tung ra những đường chuyền sát thương”, Amorim nhấn mạnh.

Trận đấu gặp West Ham, cùng hai trận giao hữu tiếp theo với Bournemouth và Everton, là cơ hội cuối cùng để Hojlund ghi dấu ấn. Nếu anh tiếp tục “tịt ngòi”, áp lực sẽ tăng lên và Man United buộc phải cân nhắc bổ sung một trung phong mới, dù phải “phá két”.
Điều đáng lo là Hojlund mới chỉ ghi 1 bàn trong 8 trận gần nhất, tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng chỉ đạt 12% - kém xa so với chuẩn trung bình 18-20% của các tiền đạo top 6 Premier League.
Dẫu vậy, Hojlund vẫn còn lợi thế về tuổi trẻ và khả năng bùng nổ. Anh từng chứng minh điều này với chuỗi 5 bàn/4 trận ở mùa trước, cho thấy khi vào “form”, bản thân có thể tạo khác biệt. Vấn đề là liệu cựu tiền đạo Atalanta có đủ bản lĩnh để duy trì sự ổn định trong áp lực khổng lồ ở Old Trafford.
Man Utd đã và đang đứng giữa lằn ranh của một cuộc tái thiết lớn. Đội bóng có quá nhiều “lỗ hổng” - từ hàng thủ, cánh phải, thủ môn cho đến tiền đạo - và ngân sách không thể xử lý tất cả trong một kỳ chuyển nhượng. Vì thế, việc Amorim đặt cược vào Hojlund là điều gần như bắt buộc.
Nếu Hojlund tận dụng được giai đoạn giao hữu này để chứng minh bản thân, anh có thể khiến BLĐ Man United tạm gác lại kế hoạch mua thêm tiền đạo. Nhưng nếu anh tiếp tục “tịt ngòi”, câu hỏi “Liệu Hojlund có xứng đáng là trung phong của ‘Quỷ đỏ’?” sẽ trở thành dấu hỏi lớn nhất mùa giải mới.
Đây là thời khắc bản lề của Rasmus Hojlund. Anh không chỉ đá vì suất đá chính, mà còn đá để chứng minh rằng số tiền 72 triệu bảng mà Man Utd bỏ ra cho mình không phải là một “canh bạc thất bại”.