Hội thảo quốc tế về ngôn ngữ ở ĐH Phenikaa thu hút hơn 225 bài viết của học giả
Hội thảo khoa học quốc tế 'Ngôn ngữ học đối chiếu và Đối chiếu giữa các ngôn ngữ' là một trong những hoạt động chuyên môn hàng đầu trong dạy học ngôn ngữ.
Ngày 30/11, Trường Đại học Phenikaa, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cùng Ban Đề án ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học đối chiếu và Đối chiếu giữa các ngôn ngữ”.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 225 bài viết của các học giả trong và ngoài nước, được viết bằng 6 ngôn ngữ: tiếng Việt (với số lượng lớn nhất), tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Hán/ Trung Quốc/ Hoa, tiếng Nhật, tiếng Pháp. Các học giả nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan...
Các học giả trong nước đến từ 81 đơn vị là các trường đại học, cao đẳng, phổ thông và các viện nghiên cứu ở mọi miền Tổ quốc.
Nội dung các bài viết góp phần làm sáng tỏ đặc điểm của tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam và các ngôn ngữ; góp phần vào bổ sung, minh chứng cho các vấn đề lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại; đồng thời, góp phần vào nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên; tăng cường sự hợp tác trong nước và quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học; đặc biệt là góp phần vào giải quyết các vấn đề của công nghệ thông tin cần đến dữ liệu của ngôn ngữ.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy bày tỏ, hội thảo lần này là sự kết nối giữa người làm ngôn ngữ học, giữa các thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ, giữa các đơn vị, cơ sở đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự vui mừng khi tham gia một hội thảo chuyên môn đầy ý nghĩa.
Theo Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế, học, nghiên cứu tiếng Việt. “Ngôn ngữ tiếng Việt góp phần vào kho tàng quý báu ngôn ngữ thế giới rất phong phú và đa dạng. Bởi vì chúng ta có ngôn ngữ của 53 dân tộc ít người. Đó là tài sản vô hình vô cùng quý giá của dân tộc chúng ta nói riêng và của nhân loại nói chung.
Việc tổ chức hội thảo như thế này rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa ở nội dung khoa học mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội, góp phần đoàn kết các dân tộc, giao lưu hội nhập quốc tế, xây dựng cơ sở khoa học để góp phần hoàn thiện chính sách ngôn ngữ, chính sách dân tộc, xây dựng phát triển khoa học nước nhà, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao địa vị, vị thế quốc gia”, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam chia sẻ, hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học đối chiếu và đối chiếu giữa các ngôn ngữ” được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng ngôn ngữ học, giáo dục ngôn ngữ và dịch thuật có cơ hội trao đổi, học hỏi và chia sẻ kiến thức trong các lĩnh vực này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung hy vọng và tin tưởng rằng rất nhiều trí tuệ và cảm xúc, rất nhiều hiểu biết và kinh nghiệm sẽ được chia sẻ tại diễn đàn hôm nay, mở ra các hướng tiếp cận mới, những sự phối hợp, liên kết mới trong học thuật giữa các cá nhân và các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại hội thảo, Bộ luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, ủng hộ việc tổ chức một hội thảo quốc tế giá trị, một diễn đàn học thuật chuyên môn sâu cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, giảng viên, nhà quản lý để cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ ở Việt Nam và trên thế giới.
Tiến sĩ Mai Hữu cho rằng, hội thảo này là một trong những hoạt động chuyên môn hàng đầu trong dạy học ngôn ngữ được tổ chức tại Việt Nam, là diễn đàn chuyên môn uy tín, nơi các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em sinh viên giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu, ý tưởng, phương pháp… liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngôn ngữ.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra phiên toàn thể và phiên song song với 5 tiểu ban cùng thảo luận các đề tài.
Phiên toàn thể do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi chủ trì; Thạc sĩ Đinh Thị Ngọc Linh (Khoa Tiếng Nhật) và Thạc sĩ Nguyễn Võ Hải Triều (Khoa Tiếng Anh) làm thư ký, hỗ trợ ngôn ngữ.
Tại phiên toàn thể, có 3 nội dung tham luận được báo cáo gồm:
Tổng quan nghiên cứu đối chiếu về từ tượng thanh trong tiếng Nhật và tiếng Việt: tập trung khảo sát các tài liệu trên cơ sở dữ liệu học thuật CiNii - Giáo sư, Tiến sĩ Kamimura, Đại học Soka, Nhật Bản.
Làm thế nào để dạy và học thanh điệu tiếng Việt từ góc nhìn của người nói tiếng Đài Loan và Trung Quốc - Giáo sư, Tiến sĩ Tưởng Vi Văn, Đại học Thành Công, Đài Loan.
Đối chiếu hệ thống từ vựng giữa tiếng Mường và tiếng Việt: Phác thảo một hướng tiếp cận - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Trường Đại học Phenikaa.
Sau các phần phát biểu tham luận tại phiên toàn thể, các đại biểu tham gia chương trình đã dành thời gian trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số ý kiến xoay quanh các nội dung liên quan.
Trong khuôn khổ hội thảo, phiên song song diễn ra với hoạt động thảo luận của 5 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Ngôn ngữ học đối chiếu do Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Đại và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Hoàng chủ trì. Thư ký: Tiến sĩ Trần Văn Nam.
Tiểu ban 2: Ngôn ngữ học đối chiếu - dịch thuật do Giáo sư, Tiến sĩ Luo Wenqing và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Sửu chủ trì. Thư ký: Tiến sĩ Đặng Thị Hương Thảo.
Tiểu ban 3: Ngôn ngữ - Văn hóa do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hảo Tâm và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh chủ trì. Thư ký: Thạc sĩ Vũ Thanh Hải.
Tiểu ban 4: Giáo dục ngôn ngữ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tuyết Minh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cầm Tú Tài chủ trì. Thư ký: Tiến sĩ Phạm Thúy Hồng.
Tiểu ban 5: Ngôn ngữ học với tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Phượng chủ trì. Thư ký: Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra phiên đối thoại với phần chia sẻ của các chuyên gia ngôn ngữ học hàng đầu với chủ đề “Ngôn ngữ học Việt Nam: Từ hiện tại nhìn về tương lai”.
Có thể khẳng định rằng, với các mức độ đóng góp khác nhau, kết quả của mỗi bài viết đều góp phần làm sáng tỏ đặc điểm của ngôn ngữ với tư cách là đối tượng nghiên cứu, góp phần vào bổ sung, minh chứng cho các vấn đề lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại; đồng thời, góp phần vào nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên.
Cùng với kết quả về nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học đối chiếu và Đối chiếu giữa các ngôn ngữ” một mặt góp phần tăng cường sự hợp tác trong nước và quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học; mặt khác đẩy mạnh công tác nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam, hội nhập với thế giới.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học đối chiếu và Đối chiếu giữa các ngôn ngữ”:
Trường Đại học Phenikaa thuộc Tập đoàn Phenikaa, là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đang tiến tới trở thành Đại học Phenikaa với 5 trường thành viên, gồm: Trường Kỹ thuật Phenikaa, Trường Kinh tế Phenikaa, Trường Y - Dược Phenikaa, Trường Công nghệ Thông tin Phenikaa và Trường Ngoại ngữ - Khoa học Xã hội Phenikaa, trong đó Trường Ngoại ngữ - Khoa học Xã hội có nhiệm vụ đào tạo các ngoại ngữ và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn, theo đó, ngôn ngữ, ngoại ngữ vừa là ngành khoa học vừa là cơ sở, công cụ để đào tạo các ngành khoa học khác.