Hội thảo khoa học tại An Giang: Góp ý văn kiện Đại hội và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030
Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang - nhấn mạnh: An Giang đang đứng trước một thời cơ lịch sử để khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, một vùng kinh tế năng động, phát triển toàn diện với diện tích hơn 9.888 km², quy tụ đầy đủ yếu tố “đồng bằng – đồi núi – biển đảo – biên giới”.
Tỉnh có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch, đặc biệt là phát triển đô thị thông minh và du lịch biển chất lượng cao. Với quy mô dân số gần 3,7 triệu người - đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang không chỉ tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh có vị trí địa - chiến lược quan trọng, với vùng biển rộng hơn 63.000 km², đường bờ biển dài trên 200 km, biên giới giáp Campuchia gần 148 km, thuận lợi phát triển giao thương quốc tế.
Bên cạnh đó, An Giang còn sở hữu hệ thống đô thị phát triển, cụm động lực Long Xuyên – Châu Đốc – Rạch Giá – Hà Tiên, đặc khu Phú Quốc và hai cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng là nơi hội tụ đa dạng văn hóa các cộng đồng dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm, Hoa,… tạo nên bản sắc văn hóa phong phú.
Tăng trưởng nổi bật nhưng vẫn còn thách thức
Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhận định, trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát triển nhanh, hài hòa và bền vững là đòi hỏi cấp thiết. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, nên việc nhìn lại những kết quả đạt được, đánh giá hạn chế, định hình rõ định hướng phát triển cho giai đoạn mới là hết sức quan trọng.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, An Giang và Kiên Giang đã thực hiện đạt và vượt 31/40 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đặc biệt, tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn hậu đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong GRDP tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 sau hợp nhất đạt trên 8,1% – thuộc nhóm 17 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 8%.
Đô thị hóa phát triển mạnh tại các khu vực như Châu Đốc, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên. Ba khâu đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, quy hoạch và phát triển không gian đạt kết quả tích cực, mở ra những cơ hội mới.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên; quốc phòng – an ninh, chủ quyền biển đảo, biên giới được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính được triển khai nghiêm túc, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 09 chỉ tiêu chưa đạt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, nông – lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng cao (35%). Các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn chưa phát huy hiệu quả. Du lịch, công nghiệp chưa tương xứng tiềm năng. Kết cấu hạ tầng còn yếu, ứng dụng KHCN hạn chế, quản lý tài nguyên – môi trường có lúc chưa chặt chẽ.
Các vấn đề văn hóa, xã hội, con người chưa được xác định đúng tầm. An ninh trật tự ở vùng nông thôn, biên giới, vùng biển đôi lúc còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn biểu hiện trì trệ, thiếu sáng tạo, ngại va chạm, sợ trách nhiệm.
Định hướng chiến lược đến năm 2030
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, An Giang trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá trở thành trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp; vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên trở thành động lực phát triển công nghiệp, logistics, du lịch văn hóa – sinh thái, trung tâm nghiên cứu giống và sản xuất nông – thủy sản, dược liệu công nghệ cao.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, giao thương với Campuchia; hoàn thiện hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia tập trung góp ý vào 11 nhóm vấn đề then chốt, gồm: Định hướng phát triển, khâu đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; Những định hướng lớn về phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Quy hoạch phát triển hài hòa, bền vững, trong đó có phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm cỡ quốc tế; Tích hợp phát triển kinh tế biển, biên mậu, nội địa trở thành động lực tăng trưởng mới; Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho tỉnh An Giang; Mô hình tăng trưởng phù hợp điều kiện đặc thù địa phương; Định hướng cơ cấu ngành kinh tế; Đột phá phát triển trong giai đoạn mới; Giải pháp bảo đảm an ninh sinh kế, văn hóa và môi trường bền vững; Vận hành chính quyền hai cấp hiện đại trên nền tảng số; Giải pháp về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đoàn kết dân tộc, tôn giáo – tín ngưỡng.
Hội thảo là bước chuẩn bị quan trọng góp phần hoàn thiện các định hướng chiến lược và văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ tới, góp phần đưa tỉnh phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn mới.