Hồi sinh vùng chè xanh, động lực phát triển mô hình kinh tế bền vững
Từ vùng đất từng in dấu chân khai hoang của Dự án 327, Thọ Bình (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) nay đang chuyển mình mạnh mẽ với cây chè – loại cây trồng tưởng đã bị lãng quên – trở thành động lực phát triển kinh tế xanh, gắn với du lịch cộng đồng và sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP...

Vùng chè ở Thọ Bình, Thanh Hóa.
Trở lại Thọ Bình hôm nay, ít ai nghĩ rằng vùng đất này từng trải qua không ít thăng trầm với cây chè. Nơi đây trước kia là xã Bình Sơn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu, là điều kiện lý tưởng để cây chè bén rễ và trở thành cây trồng chủ lực.
MÀU XANH TRỞ LẠI NHỮNG TRIỀN ĐỒI
Từ năm 1992, khi Dự án 327 (chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc) được triển khai phát triển vùng kinh tế Tây Nam Triệu Sơn, hàng trăm hộ gia đình từ khắp nơi đã về đây lập nghiệp. Trong muôn vàn khó khăn, người dân ban đầu trồng sắn, khoai và một số cây lâm nghiệp. Cây chè khi ấy chỉ là một lựa chọn thử nghiệm, nhưng lại tỏ ra phù hợp vượt trội với thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao.
Giai đoạn 1998 – 2013, cây mía lên ngôi nhờ chính sách thu mua của Nhà máy Đường Lam Sơn, giúp người dân có thêm nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, khi hiệu quả kinh tế của cây mía giảm, người dân lại quay về với cây chè – loại cây không chỉ gần gũi mà còn bắt đầu cho thấy tiềm năng dài hạn, nhất là khi giống chè PH8 được đưa vào trồng từ năm 2016.

Cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Giống chè mới với năng suất cao, chất lượng búp ngon đã đánh dấu bước chuyển mình của vùng chè Bình Sơn. Người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa khâu chăm sóc và thu hái, từng bước hình thành cách làm chè bài bản. Tiêu biểu như gia đình anh Trịnh Đình Huy – hộ tiên phong trồng 3 ha chè PH8, mỗi năm thu nhập ổn định từ 90–100 triệu đồng, trở thành một hình mẫu tại địa phương.
Tuy nhiên, do sự thiếu định hướng về thị trường và kỹ thuật chế biến khiến sản phẩm chè phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở mức sao khô, đóng bao thủ công, tiêu thụ qua thương lái. Không ít hộ dần mất niềm tin vào cây chè, đồi chè bị chặt bỏ để trồng keo, bạch đàn. Cây chè có lúc tưởng như bị lãng quên.
ĐỊNH HÌNH MÔ HÌNH KINH TẾ XANH
Trước nguy cơ mai một vùng nguyên liệu quý, năm 2016, Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập. Ban đầu, hợp tác xã tập trung khôi phục diện tích chè, tổ chức sản xuất tập trung và định hình thương hiệu.
Tới năm 2019, Hợp tác xã chè Bình Sơn chính thức ra đời, quy tụ hơn 120 hộ sản xuất, chế biến. Hợp tác xã không chỉ đứng ra thu mua, chế biến mà còn xây dựng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc.
Tính đến năm 2024, diện tích chè tại Thọ Bình đã vượt ngưỡng 400 ha. Dự kiến trong năm 2025, địa phương sẽ trồng thêm 50 ha, nâng tổng diện tích lên 450 ha. Với năng suất bình quân đạt 80–100 tạ/ha, sản lượng chè búp khô mỗi năm có thể đạt 250 tấn, đem về doanh thu xấp xỉ 36–37 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 12 ha đã đạt chuẩn VietGAP, với hai sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sau hơn 30 năm gắn bó với người dân, cây chè nay đã trở thành loại cây trồng chủ lực tại vùng đất này.
Không dừng lại ở mục tiêu nâng cao thu nhập nông hộ, chính quyền địa phương còn xác định phát triển chè theo mô hình kinh tế xanh, kết hợp với du lịch cộng đồng.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Thọ Bình sẽ đón 500–700 lượt khách/năm và tăng lên 1.000–1.500 lượt khách/năm vào năm 2030. Các tour trải nghiệm hái chè, chế biến chè truyền thống, thưởng trà kết hợp giao lưu văn hóa dân tộc được kỳ vọng trở thành điểm nhấn, thu hút du khách và gia tăng giá trị vùng chè.
Dù vậy, lãnh đạo xã Thọ Bình vẫn trăn trở diện tích chè tập trung hiện chưa hình thành rõ nét, sản xuất còn phân tán, thiếu đồng bộ. Việc gắn sản xuất chè an toàn với khai thác du lịch vẫn ở giai đoạn khởi động, chưa phát huy được hết tiềm năng. “Muốn chè trở thành thương hiệu lớn thì phải làm bài bản từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến xúc tiến thương mại và gắn kết du lịch trải nghiệm,” đại diện chính quyền xã chia sẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện vùng chè, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm soát vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, được siết chặt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hệ sinh thái tự nhiên.
Bên cạnh đó, địa phương đang tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản và đa dạng hóa sản phẩm. Mục tiêu không chỉ là chè khô truyền thống mà còn phát triển các dòng sản phẩm như chè ướp hoa, trà túi lọc, bột trà xanh... phục vụ thị trường cao cấp và hướng tới xuất khẩu.