Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Sáng nay (1-12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, lãnh đạo các ban, bộ, ngành… Hội nghị được kết nối tới 14.535 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước có Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và được kết nối đến các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 388 điểm cầu, trong đó điểm cầu tại tỉnh có 150 đại biểu; cấp huyện 387 điểm cầu với 20.180 đảng viên tham dự.
Về Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày cho biết, qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị. “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”. Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, đúng thẩm quyền hơn. Đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn. Trong 11 tháng, đã tổ chức 10 phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật; trình Quốc hội thông qua 50 luật, nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua đối với 30 dự án luật, nghị quyết, trong đó có 3 dự án luật quan trọng trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính. Chính phủ đã ban hành 156 nghị định, 288 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 22 quyết định quy phạm, 42 chỉ thị và 122 công điện; tổ chức 03 phiên họp của Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban… để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiện toàn bộ máy tổ chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.
Báo cáo cũng xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra của năm 2025 gồm, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%; bội chi NSNN khoảng 3,8% GDP; nợ công khoảng 35 - 38% GDP… Đặc biệt, phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành Sân bay Long Thành, các công trình lớn; xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…
Trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Toàn thể đảng viên dự hội nghị được nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời, đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao ý thức pháp luật, tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, nhất là những vấn đề quan trọng, các chính sách lớn… Tạo động lực, truyền cảm hứng, sự đồng lòng, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc theo phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.