Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII; tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII; tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.
Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh...
Tại hội nghị, các đại biểu nghe: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025".
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. BCH T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, các văn kiện trình Đại hội XIV đã được T.Ư xây dựng tương đối công phu, kỹ càng, khoa học. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, đóng góp ý kiến để trình Đại hội XIV với tinh thần văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Các cấp ủy đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ...
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "T.Ư không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "T.Ư làm gương, địa phương hưởng ứng". Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ; hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo T.Ư phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025...
Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức. Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp...
Các cấp ủy đảng từ T.Ư đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức...