Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc 2025: Từ biểu tượng ngoại giao đến bức tranh đối đầu chiến lược

Ngày 24 tháng 7, các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu António Costa và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, có cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường. Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 25, đồng thời cũng đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ song phương giữa hai bên - một cột mốc có ý nghĩa lịch sử và biểu tượng.

Quan hệ EU-Trung Quốc: Từ đối thoại sang đối trọng

Quan hệ EU-Trung Quốc: Từ đối thoại sang đối trọng

Tuy được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa EU và Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 25, diễn ra vào ngày 24 tháng 7 tại Bắc Kinh, lại mang nhiều dấu hiệu cho thấy đây chỉ là một sự kiện mang tính hình thức, hơn là cơ hội cho các đột phá chiến lược. Bối cảnh chuẩn bị cho hội nghị lần này, từ chuyến công du châu Âu không đạt được kết quả nào đáng chú ý của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đầu tháng 7, việc hủy bỏ đối thoại thương mại thường kỳ, cho đến việc rút ngắn thời gian họp từ hai ngày xuống còn một ngày, đều cho thấy bầu không khí chính trị giữa hai bên đang nguội lạnh một cách rõ rệt.

Không có tuyên bố chung được lên kế hoạch công bố sau hội nghị, một điều bất thường trong ngoại giao cấp cao, và đây là chỉ dấu rõ nét nhất về kỳ vọng thấp từ cả hai phía. Mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích chiến lược và cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu khiến không gian đàm phán ngày càng thu hẹp, và hai bên dường như đã bước vào giai đoạn “kiểm soát bất đồng” thay vì thúc đẩy đồng thuận. Cả Brussels và Bắc Kinh đều đã chuyển từ đối thoại sang những hình thức gây áp lực mang tính biểu tượng và cứng rắn hơn.

Thay vì tìm kiếm sự nhượng bộ, Brussels giờ đây tỏ ra sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu lợi ích cốt lõi không được đảm bảo. Việc EU đưa các ngân hàng Trung Quốc vào gói trừng phạt chống Nga lần thứ 18 là thông điệp rõ ràng gửi đến Bắc Kinh: bất kỳ sự liên quan nào (mặc dù là gián tiếp) của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine là không thể chấp nhận. Theo giới quan sát phương Tây, đối với EU, cuộc khủng hoảng Ukraine đã vượt qua tất cả các mối đe dọa thương mại hay cạnh tranh công nghiệp, trở thành bài toán chiến lược hàng đầu trong quan hệ đối ngoại. Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 3 năm 2023 rằng cách tiếp cận của Trung Quốc với vấn đề Ukraine sẽ là “yếu tố quyết định” quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai, đến nay có vẻ vẫn giữ nguyên giá trị.

Tuy nhiên, EU cũng đối mặt với bài toán hóc búa khi thiếu đi những đòn bẩy đủ mạnh để có thể gây áp lực hiệu quả đối với Trung Quốc. Trái lại, châu Âu vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng và công nghiệp xanh - một điểm yếu chiến lược đã được chính giới chức châu Âu thừa nhận.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell từng cảnh báo vào năm 2022 rằng mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển đổi xanh còn lớn hơn cả sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trước đây. Những con số cụ thể cho thấy sự lo ngại là có cơ sở: 98% nguyên liệu thô quan trọng mà EU nhập khẩu (bao gồm 93% magiê và 97% lithium) đến từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này thậm chí có thể tăng lên trong tương lai. EU dự báo, chỉ riêng nhu cầu coban sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Nhu cầu lithium dự kiến sẽ tăng gấp 18 lần vào năm 2030 và gấp 60 lần vào năm 2050. Những lo ngại về hành vi “cưỡng ép kinh tế” và khả năng Bắc Kinh áp đặt các hạn chế xuất khẩu tài nguyên chiến lược vẫn luôn hiện hữu tại Brussels.

Trung Quốc sẵn sàng phản ứng cứng rắn, bảo vệ lợi ích

Từ phía Trung Quốc, danh sách những điều không hài lòng với EU cũng ngày càng dài. Bắc Kinh phản đối các biện pháp áp thuế mà Brussels áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, các giới hạn đầu tư, cũng như những tuyên bố và hành động của EU ở khu vực. Việc một số quốc gia EU tham gia vào các liên minh an ninh hoặc chiến lược có yếu tố kiềm chế Trung Quốc, như AUKUS hoặc cơ chế hợp tác G7 mở rộng, càng khiến Bắc Kinh nghi ngờ về tính trung lập chiến lược của EU.

Quan trọng hơn, Trung Quốc ngày càng cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại. Nếu như trước đây Bắc Kinh thường giữ thái độ mềm mỏng và tránh đối đầu công khai, thì nay Trung Quốc đã sẵn sàng đáp trả các hành vi mà họ cho là vi phạm lợi ích cốt lõi, kể cả từ các đối tác kinh tế lớn như EU. Thay vì thỏa hiệp, Bắc Kinh đang chuyển sang bảo vệ chủ động, thậm chí cứng rắn hơn trong những năm gần đây. Chính quyền Trung Quốc bày tỏ sự “không hài lòng mạnh mẽ và phản đối kiên quyết”, gọi việc EU liệt kê các ngân hàng Trung Quốc vào danh sách trừng phạt Nga mới nhất là hành động “nghiêm trọng”.

Cách đây vài năm, EU chính thức xác định Trung Quốc là “đối tác trong hợp tác, đối thủ trong cạnh tranh kinh tế, và đối thủ hệ thống trong mô hình quản trị toàn cầu”. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích nhận định, cán cân hiện đang nghiêng rõ rệt về hai vế sau. Các kỳ vọng về một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, dù chưa biến mất, đang bị lu mờ bởi loạt vấn đề gai góc và niềm tin chiến lược suy giảm.

Thậm chí, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gây sức ép yêu cầu EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, và áp lực đó vẫn còn âm ỉ dưới các chính sách đối trọng hiện tại, sự chia rẽ giữa Brussels và Bắc Kinh không chỉ phản ánh mâu thuẫn lợi ích song phương, mà còn nằm trong cuộc tái cấu trúc trật tự toàn cầu sâu rộng hơn.

Với tất cả những bất đồng đang tồn tại, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 giữa EU và Trung Quốc đã không thể tạo ra bất kỳ đột phá chính sách nào. Hai bên bước vào hội nghị với sự thận trọng, kỳ vọng thấp, và ít cam kết cụ thể. Nhưng, ngay cả một cuộc đối thoại mang tính biểu tượng, nếu duy trì được kênh liên lạc và hạn chế leo thang xung đột chính sách, vẫn có giá trị chiến lược trong một thế giới đang ngày càng phân cực và khó dự đoán. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng các nước, nhất là các nước lớn, sẽ giảm thiểu đối đầu và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cùng chung tay giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu hiện nay.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-eu-trung-quoc-2025-tu-bieu-tuong-ngoai-giao-den-buc-tranh-doi-dau-chien-luoc-256014.htm
Zalo