Hội Luật gia tỉnh hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới
Với lực lượng trên 2 ngàn hội viên khi sáp nhập, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước (cũ) và Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ), Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới không chỉ mạnh về lực lượng, mà cả sự nhiệt huyết, trí tuệ để hướng về cơ sở thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật (PBTTPL), tư vấn pháp luật (TVPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người dân.

Các luật gia (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cũ) tư vấn pháp luật lưu động tại buổi phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cũ (nay là phường Long Khánh). Ảnh: Đ.Phú
Thêm sức mạnh, động lực
Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) có 1.778 hội viên, 15 chi hội trực thuộc; Hội Luật gia tỉnh Bình Phước (cũ) có 370 hội viên, 7 chi hội trực thuộc. Các hội viên đa phần tốt nghiệp đại học luật, có thời gian dài công tác pháp luật tại cơ sở, cơ quan nhà nước, pháp lý… Trong đó có rất nhiều luật gia đang công tác tại các cơ quan tố tụng, tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh hay hưu trí. Đây là đội ngũ trí thức, am hiểu sâu trong lĩnh vực pháp lý, quản lý nhà nước và trách nhiệm cao với công tác hội nên là thành viên nòng cốt trong mục tiêu TVPL và TGPL miễn phí cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân, đối tượng yếu thế như: người nghèo, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…
Ngày 1-7, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND về việc cho phép hợp nhất Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai và Hội Luật gia tỉnh Bình Phước thành Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới. Quyết định công nhận luật gia Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ), giữ chức vụ Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) Phan Văn Châu bày tỏ, công tác TVPL và TGPL miễn phí được hội thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Do đây là “cầu nối”, uy tín, niềm tin giữa các tổ chức hội, hội viên với các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, đối tượng yếu thế, vì vậy, các cấp hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, độ phục vụ tận tình, trách nhiệm. Trên tinh thần và phương châm đó, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) luôn quán triệt đến các cấp hội cơ sở, hội viên bám địa bàn, nhu cầu của người dân, mong muốn của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị tại cơ sở để phục vụ, góp sức.
Tỉnh Bình Phước (cũ) có 41 thành phần DTTS với khoảng 200 ngàn người, cũng khá tương đồng với tỉnh Đồng Nai (cũ) gồm 51 DTTS với khoảng 200 ngàn người. Tuy vậy, tỉnh Bình Phước (cũ) có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia trên 258km, trong khi tỉnh Đồng Nai (cũ) không có đường biên giới nhưng là “thủ phủ” công nghiệp với trên 1,2 triệu dân nhập cư. Đây là bức tranh đa dạng sắc thái về dân tộc, văn hóa, kinh tế - xã hội…, nhất là sau khi 2 tỉnh hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai mới với diện tích rộng và đông dân (tổng diện tích 12.737,82km2, quy mô dân số gần 4,5 triệu người).
Theo lãnh đạo Hội Luật gia 2 tỉnh Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (cũ), khi hợp nhất, công tác PBTTPL, TVPL và TGPL miễn phí cho công nhân, người lao động, người nghèo, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới… cần tiếp tục được Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới chú trọng và tăng cường. Bởi sau khi hợp nhất, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới không chỉ tập hợp được đội ngũ luật gia đông đảo, uy tín, giỏi chuyên môn, mà còn đầy nhiệt huyết, tâm huyết với công tác PBTTPL, TVPL, TGPL miễn phí phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, đông đồng bào DTTS.
Phó giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Phước (cũ) NGUYỄN TRỌNG TRÍ bộc bạch, khi hợp nhất với lực lượng đông đảo, Hội Luật gia 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước (cũ) sẽ chung sức, đồng lòng, nỗ lực cùng nhau dưới mái nhà Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới hướng về cơ sở, đưa chính sách pháp luật tới những vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Sẵn sàng kết nối và phục vụ
Với nhiều năm công tác và đóng góp cho công tác hội, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cũ) cho biết, ông sẵn sàng lên đường khi được Hội Luật tỉnh Đồng Nai mới mời tham gia những chuyến đi hướng về cơ sở tại những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có đông đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước (cũ) để PBTTPL, TVPL và TGPL miễn phí cho người dân mà không cần thù lao hay đãi ngộ.
Còn luật gia Chu Văn Hiển, Phó ban Tuyên truyền phổ biến giáo dục và xây dựng pháp luật (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cũ), tâm sự những chuyến PBTTPL, TVPL và TGPL miễn phí lưu động do Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) phối hợp với chính quyền địa phương tại các xã vùng xa trung tâm huyện, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (cũ) tổ chức không chỉ hiệu quả, bổ ích cho người được hưởng thụ, mà người thực hiện (luật gia, luật sư) cũng thấy giá trị với những điều mình trao tặng.
“Được cùng Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới đưa pháp luật về buôn, sóc, khu định canh - định cư, vùng biên giới sẽ là hạnh phúc đối với tôi trong nay mai”- luật gia Chu Văn Hiển bộc bạch.
Theo Đề án Hợp nhất tổ chức bộ máy của Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) và Hội Luật gia tỉnh Bình Phước (cũ) thành Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới, cơ cấu tổ chức hội gồm: ban lãnh đạo (1 chủ tịch và 5 phó chủ tịch), ban chấp hành (37 thành viên) và 4 phòng, ban chuyên môn.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới có 95 đơn vị cấp xã (72 xã và 23 phường), do quá trình di chuyển của người dân tại nhiều đơn vị cấp xã về trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai mới hoặc trung tâm hành chính tỉnh Bình Phước (cũ) để thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí của các trung tâm, Điểm Tư vấn pháp luật cộng đồng của Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai và Bình Phước (cũ) sẽ gặp khó khăn, nên việc xây dựng và thành lập chi nhánh, điểm tư vấn pháp luật cộng đồng để phục vụ nhân dân là cấp thiết.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai (cũ) Phan Văn Châu cho biết, sau khi hợp nhất và kiện toàn bộ máy tổ chức, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai mới sẽ tham mưu đề xuất cơ quan thẩm quyền xây dựng đề án thành lập hội, chi hội luật gia cấp xã, chú trọng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đông đồng bào DTTS để thuận tiện trong việc phối hợp, làm cầu nối với chính quyền trong công tác PBTTPL, TVPL và TGPL miễn phí cho người dân. Xây dựng Phong trào Mỗi luật gia là một báo cáo viên, hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật; tiếp tục củng cố, kiện toàn và thành lập mới các điểm tư vấn pháp luật cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân của tổ chức hội.
“Quan điểm chung và nhất quán của tập thể lãnh đạo các cấp hội là phục vụ cho cả những tổ chức, cá nhân có điều kiện kinh tế lẫn không có điều kiện để hướng tới mục đích sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí chất lượng” - luật gia Phan Văn Châu bày tỏ.