Hội LHPN Việt Nam tập huấn thông tin về công tác dân tộc, tôn giáo
Ngày 26/3, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ thức buổi tập huấn cập nhật kiến thức, thông tin về công tác dân tộc, tôn giáo.
Tham dự buổi tập huấn có Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền. Buổi tập huấn diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh, thành với sự tham gia của các Ban, đơn vị thuộc Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các tỉnh, thành.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, phụ nữ dân tộc thiểu số bên cạnh những tiến bộ thì vẫn đang còn chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế về tiếp cận chính sách, dịch vụ cũng như ý thức, nhận thức về quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, thời gian qua đã có nhiều hiện tượng tôn giáo mới (còn gọi là "đạo lạ") trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới. Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số đi theo các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng…
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay cũng như các giải pháp tuyên truyền hiệu quả.
Chiều cùng ngày, hội nghị tập huấn đã được lắng nghe PGS.TS. Giảng viên cao cấp Đỗ Lan Hiền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khái quát về tình hình tôn giáo ở nước ta, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo; Những vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo cần quan tâm trong công tác vận động phụ nữ hiện nay như đạo mới, đạo lạ, tà đạo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích chính trị, trục lợi; Ứng xử của cán bộ Hội các cấp…
Buổi tập huấn đã cung cấp thêm những kiến thức bổ ích về dân tộc, tôn giáo, góp phần giúp cán bộ Hội LHPN các cấp làm công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số.