Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM: Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững
Sáng nay (7/9), Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 17 (ITE HCMC 2023) chính thức khai mạc với chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội thảo nhằm mang tới các giải pháp tăng cường liên kết, phát triển du lịch bền vững.
Tham dự lễ khai mạc có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng lãnh đạo TP.HCM và nhiều địa phương; lãnh đạo Bộ Du lịch Campuchia, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Tổng cục Du lịch Thái Lan...
Hội chợ năm nay sôi động với hơn 400 gian hàng của các đơn vị triển lãm và thương hiệu là các cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương, hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu du lịch, công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không… Ngoài ra, Ban tổ chức đã lựa chọn và mời 199 người mua quốc tế từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường du lịch inbound trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Mỹ, Đức, Anh,… đến giao thương, hợp tác phát triển du lịch ở cả 2 chiều. Qua đó, kỳ vọng sẽ mở ra hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại B2B giữa người mua và các đơn vị triển lãm.
Bà Mijung Hwang, Trưởng nhóm toàn cầu 2 của Tổ chức Du lịch Seoul (Hàn Quốc) cho biết, Việt Nam là thị trường du lịch trọng điểm rất tiềm năng của Hàn Quốc và ngược lại. Thời gian qua dòng khách lưu chuyển giữa 2 nước đang trên đà tăng mạnh. Tuy nhiên hiện nay đang có sự bất bình đẳng về chính sách thu hút du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bà Mijung Hwang nói: “Việt Nam rất ưu đãi cho khách du lịch Hàn Quốc khi có chính sách miễn thị thực trong 15 ngày, nhưng ngược lại du khách Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc bắt buộc phải có visa. Chúng tôi sẽ thúc đẩy để chính quyền Seoul nói riêng và Chính phủ Hàn Quốc nói chung sớm có những phương án để duy trì thu hút du khách từ Việt Nam trong tương lai”.
Bà Elena Karmanova, Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế của Vodohod Cruise and Travel cho biết, Nga từng là thị trường du lịch rất “hot” thu hút nhiều du khách Việt Nam nhất là cao điểm mùa World Cup 2018. Tuy nhiên từ đó đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến du lịch nước này trở nên đìu hiu, vắng du khách Việt. Nguyên nhân được cho là do không có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến thành phố St.Petersburg.
Bà Elena Karmanova nói: “Chúng tôi rất mong chờ được đón du khách Việt Nam đến du lịch St.Petersburg và các điểm đến khác của Nga. Chúng tôi đang rất nỗ lực phục hồi du lịch và thu hút du khách Việt Nam như thiết lập những đường bay thẳng từ Hà Nội đến thành phố St.Petersburg hay thực hiện cấp và nâng hạng visa điện tử. Chúng tôi hy vọng Hội chợ sẽ kết nối và phát triển du lịch giữa 2 nước trở lại”.
Với mục tiêu mang tới các giải pháp phát triển du lịch bền vững, tại Hội chợ, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai nhiều hoạt động chuyên môn gồm: các diễn đàn, hội thảo lớn như: Diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”; Hội thảo ngành Du lịch và khách sạn - ngành nghỉ dưỡng Việt Nam - Cơ hội và thách thức; Diễn đàn Quan hệ công chúng và truyền thông khu vực ASEAN lần thứ 4 và chuỗi sự kiện chuyên đề về truyền thông điểm đến.
Trong ba ngày diễn ra từ nay đến 9/9, sự kiện dự kiến thu hút hơn 25.000 khách tham quan.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sự phục hồi ngành du lịch cho có nhiều tín hiệu lạc quan: Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch TP.HCM nói riêng đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo đó, Việt Nam đã đón hơn 87 triệu lượt khách trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 70% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế là 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ du lịch đạt hơn 482.000 tỷ đồng. Riêng tại TP.HCM trong 8 tháng đầu năm 2023 đã đón gần 25 triệu lượt khách, đạt 63% so với năm 2019, trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 105,2% so cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch đạt hơn 100.000 tỷ đồng.
Qua đó, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định vai trò quan trọng của Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM là mở rộng thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và tăng dòng khách lưu chuyển giữa các quốc gia và tối ưu hóa thu nhập du lịch thông qua việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch các nước hạ nguồn sông Mê Kông với doanh nghiệp các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới.