Học viện Phụ nữ Việt Nam chuẩn bị đào tạo tiến sĩ công tác xã hội
Trong năm 2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo hệ tiến sỹ về Công tác xã hội.
Thông tin trên được PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Công tác xã hội (CTXH) – sáng 21/3.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - nhấn mạnh, Khoa Công tác xã hội được thành lập đầu năm 2013. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo ngành CTXH được thực hiện từ sớm.
Năm 2007, Học viện bắt đầu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, bồi dưỡng ngắn hạn về Công tác xã hội. Những năm tiếp theo, Học viện liên kết với một số trường đại học đào tạo cao đẳng và đại học ngành Công tác xã hội.
Trong 10 năm đào tạo trung cấp CTXH, Học viện đã cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 2.500 học viên. Năm 2013, ngay sau khi Khoa CTXH được thành lập, Học viện chính thức tuyển sinh 133 sinh viên chính quy khóa 1 ngành Công tác xã hội.
Từ đó đến nay, 10 khóa sinh viên chính quy với trên 1.000 sinh viên đã được học tập tại ngôi trường này. Trong đó, 7 khóa sinh viên đã tốt nghiệp ra trường với hơn 600 em.
Bên cạnh đó, Học viện cũng tổ chức gần 20 lớp đại học hệ vừa làm, vừa học cho 933 sinh viên ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Từ năm 2018, Học viện đăng ký và tổ chức đào tạo thạc sỹ. Tính đến năm 2023, đã có 4 khóa học viên cao học với 113 học viên. Trong năm 2023, Học viện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo hệ tiến sỹ về Công tác xã hội.
10 năm qua, đội ngũ giảng viên của khoa đã tập trung xây dựng 10 giáo trình, tập bài giảng các môn học chuyên ngành; tổ chức nhiều hội thảo ở tất cả các cấp độ; trong đó 3 lần tổ chức hội thảo quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, các giảng viên của khoa CTXH đã tham gia 8 đề tài cấp Nhà nước, 11 đề tài cấp Bộ, 11 đề tài cấp cơ sở. Giảng viên trong khoa là tác giả, đồng tác giả của 4 bài báo công bố quốc tế có chỉ số ISI, Scopus; 38 bài báo khoa học đăng trên Kỷ yếu khoa học quốc tế; 134 bài báo công bố trên Kỷ yếu khoa học quốc gia và trên các Tạp chí khoa học trong nước có uy tín.
Số công trình nghiên cứu của khoa đã thể hiện tính ứng dụng rất cao trong việc biên soạn đề cương học phần, tập bài giảng và giáo trình hệ đại học. Đội ngũ giảng viên của khoa cũng có sự thay đổi cả về lượng và chất.
Từ một bộ môn trước đây, đến nay Khoa Công tác xã hội đã có 3 bộ môn, trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực Xã hội học, Công tác xã hội cơ bản, Công tác xã hội chuyên biệt.
Đội ngũ giảng viên của Học viện tham gia giảng dạy ngành CTXH là hơn 30 người, trong đó giảng viên cơ hữu của khoa có 10 người, bao gồm 1 phó giáo sư; 5 tiến sĩ; 1 nghiên cứu sinh và 3 thạc sĩ.
Điểm nổi bật là sự chủ động, tích cực của Khoa trong việc mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm CTXH ở nhiều tỉnh, thành phố để hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành đối với sinh viên. Khoa cũng đóng vai trò quan trọng để Học viện tham gia tích cực vào mạng lưới các trường đào tạo về CTXH cũng như tổ chức nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng hàng năm.
Hiện Ban giám đốc Học viện chỉ đạo chặt chẽ để Khoa CTXH và các bộ phận liên quan chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đăng ký đào tạo hệ hệ tiến sỹ CTXH cũng như kiểm định thành công chương trình đào tạo đại học ngành CTXH.