Học sinh làm thêm dịp hè cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình

Làm thêm dịp hè là cơ hội để học sinh trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, học sinh cần được trang bị kiến thức pháp luật.

.t1 { text-align: justify; }

Học sinh đi làm thêm giúp tăng trải nghiệm, nhưng cũng có rủi ro

Học sinh tận dụng kỳ nghỉ hè để đi làm thêm đang trở thành xu hướng phổ biến trong những năm gần đây. Việc tham gia lao động sớm không chỉ giúp các em có thêm thu nhập, mà còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao trải nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đáng ghi nhận, không ít trường hợp học sinh đã và đang đối mặt với nhiều rủi ro: từ bị bóc lột sức lao động, làm việc quá sức, cho đến bị lừa đảo khi xin việc qua mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, việc nắm rõ quy định pháp luật và có định hướng đúng đắn từ phụ huynh, nhà trường là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người lao động là học sinh, trẻ vị thành niên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm nhận định, việc học sinh đi làm thêm trong dịp hè là một tín hiệu tích cực nếu được định hướng đúng. Đó là cơ hội để các em được va chạm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống và thấu hiểu hơn về giá trị của lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp học sinh bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà nguyên nhân chủ yếu do các em còn quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý cần thiết.

Nữ luật sư cho biết, tất cả nội dung về việc học sinh (độ tuổi dưới 18 tuổi) đi làm thêm đều được quy định rõ ràng trong Bộ Luật Lao động năm 2019.

Cụ thể, căn cứ Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019:

“1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”

Đối với trẻ vị thành niên thành niên dưới 15 tuổi, các em chỉ được phép làm các công việc nhẹ theo danh mục công việc nhẹ do Bộ lao động và thương xã hội ban hành.

Với trẻ dưới 13 tuổi, các em có thể làm các công việc nhẹ như diễn viên, vận động viên năng khiếu,… trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không được làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của trẻ.

Với trẻ từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi, các em có thể làm các công việc truyền thống, đồ thủ công mỹ nghệ, đan lát nhẹ nhàng như gói kẹo, xâu chuỗi, kết hạt cườm,… (Theo khoản 3, 4 Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 8, Phụ lục II Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH). Thời gian làm việc của những đối tượng trên không được quá 04 giờ/ngày và 20 giờ/tuần (Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019).

Đối với trẻ vị thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, lao động ở trong độ tuổi này được phép tham gia lao động ở tất cả các ngành nghề phù hợp với sức khỏe mà pháp luật không cấm. Ngoại trừ các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc môi trường làm việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ như tham gia sản xuất, sử dụng, vận chuyển hóa chất, khí ga, chất nổ,... hay làm việc tại các công trường xây dựng, quán bar, vũ trường,... (Theo Điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 9, Điều 10, Phụ lục III Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH).

Thời gian làm việc của những đối tượng này không được quá 08 giờ/ngày và 40 giờ/tuần (Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019).

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, cũng như quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và tại bất cứ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, đối với học sinh - những người lao động chưa thành niên - đối tượng lao động đặc thù, quyền của các em trong lĩnh vực làm việc được giới hạn hơn so với các đối tượng khác trên thị trường lao động. Mục đích chính của việc giới hạn này là để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, sự phát triển thể chất, trí tuệ và nhân cách của các em”, Luật sư Kiều Trang nhấn mạnh.

 Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm. Ảnh: NVCC

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm. Ảnh: NVCC

Đồng tình với nhận định trên, Luật sư Lưu Ngọc Long - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Như Thành - Đoàn Luật Sư Thành phố Hà Nội bày tỏ: “Quy định pháp luật đã nêu rõ người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể đi làm thêm, nhưng chỉ trong phạm vi công việc phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Mục đích đặt ra giới hạn này nhằm bảo vệ sức khỏe, sự phát triển thể chất và tinh thần của người chưa thành niên, cũng như bảo đảm quyền được học tập. Đặc biệt, đối với người lao động chưa thành niên, chỉ được làm thêm nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Công việc thuộc danh mục cho phép; có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ; và không ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe”.

Thị trường lao động ngày càng đa dạng và linh hoạt đã mở ra nhiều cơ hội việc làm thêm cho học sinh, đặc biệt trong những dịp nghỉ hè. Không chỉ giới hạn ở các công việc truyền thống như phục vụ quán ăn, bán hàng tại cửa hàng, nhiều học sinh hiện nay chủ động tìm kiếm công việc online thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng tuyển dụng.

Từ nhập liệu, bán hàng online đến làm cộng tác viên khảo sát thị trường, học sinh có thể làm việc tại nhà mà vẫn có thu nhập. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng tiếp cận và thiếu kiểm soát này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về pháp lý, sức khỏe và an toàn thông tin cá nhân mà nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, các em có thể trở thành đối tượng bị lợi dụng hoặc lừa đảo.

Về khía cạnh này, Luật sư Ngọc Long cho biết, Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 đã quy định rõ những công việc, nghề nghiệp mà trẻ vị thành niên được làm, phù hợp với từng lứa tuổi, trong đó có những công việc như bán hàng online, cộng tác viên nhập liệu, khảo sát…

“Về nguyên tắc, các công việc như bán hàng online, cộng tác viên nhập liệu, khảo sát… không bị xác định là vi phạm pháp luật nếu đảm bảo các điều kiện về công việc như: Không thuộc danh mục công việc cấm hoặc môi trường cấm đối với lao động chưa thành niên theo Điều 147 Bộ luật Lao động và danh mục kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH; không ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và sự phát triển bình thường của người lao động chưa thành niên; và quan trọng cần có sự giám sát và quan tâm của cha, mẹ hoặc người giám hộ nhất là đối với các em dưới 15 tuổi.

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng, trong thực tế, không ít công việc "cam kết việc nhẹ lương cao" nhưng lại tiềm ẩn rủi ro bóc lột, lừa đảo hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các em do thông tin được tiếp cận tại môi trường làm việc không phù hợp với lứa tuổi.

Do đó, dù không vi phạm pháp luật một cách trực tiếp, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ việc học sinh tìm việc làm online hoặc làm các công việc online, hoạt động lao động này có thể dẫn đến hệ quả pháp lý nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của người sử dụng lao động và của phụ huynh nếu để xảy ra hậu quả”, Luật sư Ngọc Long nhấn mạnh.

Trong trường hợp người sử dụng lao động tuyển dụng học sinh chưa đủ tuổi mà không thông qua phụ huynh và không ký hợp đồng lao động, vị luật sư khẳng định đây là hành vi vi phạm.

Pháp luật quy định rõ rằng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi dù đã đủ điều kiện để ký hợp đồng, nhưng hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản, có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Nếu không có hợp đồng, học sinh sẽ không được bảo vệ đầy đủ quyền lợi về tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bảo hộ lao động và các chế độ khác.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc tai nạn lao động, việc không có hợp đồng khiến học sinh gặp khó khăn trong việc chứng minh quyền lợi của mình, thậm chí dễ bị đẩy vào thế yếu trước nhà tuyển dụng.

Liên quan đến tình trạng học sinh bị lừa đảo khi xin việc online, Luật sư Kiều Trang cũng nhận định, hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển mở rộng, các doanh nghiệp chủ yếu đăng tin tuyển dụng trên các website, mạng xã hội. Các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động, nhất là các bạn học sinh, sinh viên có nhu cầu kiếm việc làm thêm.

Nữ luật sư chia sẻ: “Có thể thấy, người chịu trách nhiệm chính nếu học sinh bị lừa đảo khi xin việc qua mạng xã hội chính là người tuyển dụng - đối tượng lừa đảo. Trong đó, người tuyển dụng thường giả danh công ty, đăng tin giả nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, có trường hợp người tuyển dụng làm việc cho công ty thật, nhưng có hành vi sai trái như thu tiền trái phép của người xin việc (tiền cọc, lệ phí,...), dẫn dụ học sinh vào các công việc không đúng mô tả (đa cấp, môi giới, trá hình,...). Mặt khác, công ty mà người tuyển dụng đăng tin cũng có thể chịu trách nhiệm liên đới nếu công ty này ủy quyền cho họ hoặc bao che cho hành vi sai trái đó (tuyển dụng thiếu kiểm soát, dung túng cho nhân viên,...)”.

Cần sớm giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh

Đưa ra lời khuyên về cách xử lý khi phát hiện học sinh bị bóc lột sức lao động hoặc lừa đảo khi làm thêm, Luật sư Ngọc Long cho rằng việc giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh cần được thực hiện từ sớm. Phụ huynh và nhà trường phải chủ động trang bị cho các em kiến thức nhận diện lừa đảo, sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng từ chối và tự bảo vệ bản thân.

“Trước hết, phụ huynh và nhà trường cần chủ động trang bị cho học sinh kiến thức pháp luật cơ bản, kỹ năng sống và đặc biệt là khả năng tự bảo vệ trước các rủi ro, đặc biệt là kỹ năng nhận diện lừa đảo; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, chọn lọc; kỹ năng từ chối và tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp tình huống bất thường.

Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động lao động và tương tác trên mạng của học sinh là rất quan trọng. Phụ huynh tuyệt đối không nên để con em mình tự ý ký hợp đồng lao động, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc hình ảnh riêng tư cho người lạ thông qua các nền tảng mạng xã hội”, luật sư cho hay.

 Luật sư Lưu Ngọc Long - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Như Thành - Đoàn Luật Sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Luật sư Lưu Ngọc Long - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Như Thành - Đoàn Luật Sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bóc lột sức lao động, lừa đảo hoặc lợi dụng trẻ vị thành niên để thực hiện hành vi trái pháp luật, Luật sư Ngọc Long khuyên phụ huynh nên ngay lập tức thu thập bằng chứng (tin nhắn, lịch sử giao dịch ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,…) và gửi đơn trình báo đến công an cấp xã/phường hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền. Ngoài ra, có thể gửi đơn đến các cơ quan quản lý về lao động để yêu cầu can thiệp theo chức năng quản lý của Nhà nước.

“Việc xử lý kịp thời không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con em mình mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đang ngày càng tinh vi, ẩn mình dưới nhiều hình thức mới trên không gian mạng, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh, khó kiểm soát và dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi mang mục đích không tốt”, ông Long nhấn mạnh.

Đưa lời khuyên cho các bậc phụ huynh, Luật sư Kiều Trang cho biết, nếu ai đó lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của học sinh để lôi kéo làm việc vì mục đích vụ lợi, nhất là trong môi trường độc hại, trái quy định, hoặc xâm phạm đến nhân phẩm, thể chất, tinh thần của các em thì hành vi đó bị coi là bóc lột và là hành vi bị nghiêm cấm.

“Như vậy, khi đánh giá một công việc mà trẻ đang làm, cha mẹ và nhà trường cần nhìn rộng hơn ngoài việc “có được trả lương hay không”. Nếu môi trường làm việc khiến trẻ mệt mỏi kiệt quệ, tổn thương về tinh thần, hoặc bị đẩy vào những hoàn cảnh nguy hiểm, thì đó không đơn thuần là "việc làm thêm", mà là dấu hiệu rõ ràng của việc bóc lột và cần có sự can thiệp kịp thời”, nữ luật sư nhấn mạnh.

Theo nữ luật sư, khi phát hiện con em mình có dấu hiệu bị bóc lột, phụ huynh và nhà trường cần vào cuộc ngay lập tức.

Đối với phụ huynh, trước hết cần nói chuyện thẳng thắn với con để nắm rõ tình hình cụ thể xem các em đang làm công việc gì, thời gian ra sao, có được trả mức lương phù hợp hay không, có bị ép làm việc nặng hoặc nguy hiểm vượt mức cho phép hay không.

Đối với nhà trường, đây không phải là việc “của riêng gia đình học sinh”, bản thân nhà trường cũng có một phần trách nhiệm vô cùng to lớn trong việc quản lý và bảo vệ học sinh. Việc nhà trường cùng đồng hành với phụ huynh trong việc bảo vệ học sinh không chỉ thể hiện trách nhiệm giáo dục mà còn giúp quá trình giải quyết trở nên rõ ràng, công bằng hơn, phía phụ huynh và học sinh cũng sẽ cảm thấy an tâm hơn.

"Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa từ sớm, khi mọi chuyện còn chưa xảy ra. Cả phụ huynh và nhà trường đều nên chủ động trang bị kiến thức pháp lý cơ bản cho các em trước khi đi làm. Cha mẹ hãy dạy con cách nhận diện mức độ nguy hiểm của công việc, cảnh giác với những lời chào mời tuyển dụng bất thường về lương thưởng hoặc quá trình tuyển dụng thiếu minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, nên khuyến khích con hỏi ý kiến người lớn trước khi nhận bất kỳ công việc nào.

Nhà trường cũng có thể tổ chức các buổi hướng dẫn, thậm chí mời luật sư hoặc cán bộ lao động đến nói chuyện với học sinh trong những sự kiện thường niên của trường. Chia sẻ từ người có kinh nghiệm sẽ là những hành trang vô cùng quý giá để các em có thể vững bước, bảo vệ được bản thân trong thị trường lao động đầy rẫy những biến động như hiện tại.

Sự vào cuộc kịp thời của cha mẹ và nhà trường chỉ phát huy hiệu quả nếu các em hiểu được giá trị của sức lao động, biết đâu là giới hạn của bản thân và không ngần ngại lên tiếng khi bị đối xử bất công. Khi đó, mỗi kỳ nghỉ hè sẽ không chỉ là khoảng thời gian đi làm kiếm tiền, mà là một bước trưởng thành thực sự khi các em có đủ sự an toàn, có định hướng và tự tin bên trong bản thân mình", Luật sư Kiều Trang khẳng định.

Thanh Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-lam-them-dip-he-can-duoc-trang-bi-kien-thuc-de-tu-bao-ve-minh-post253003.gd
Zalo