Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam

Giới học giả Ấn Độ đánh giá Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực, không chỉ về thương mại và thu hút đầu tư mà còn về tăng thu nhập bình quân đầu người.

Lắp ráp ô tô Ranger tại nhà máy của Liên doanh Ford đến từ Mỹ ở Hải Dương. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Lắp ráp ô tô Ranger tại nhà máy của Liên doanh Ford đến từ Mỹ ở Hải Dương. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Giới học giả Ấn Độ đánh giá cao về những thành tựu của Việt Nam trong năm 2024. Để hiểu rõ hơn về những đánh giá này, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Reena Marwah thuộc Đại học Delhi, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Học giả châu Á.

Giáo sư Marwah nhận định Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực, không chỉ về thương mại và thu hút đầu tư mà còn về tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì vậy, tiến bộ xã hội của người dân Việt Nam là vô cùng đáng khen ngợi. Chỉ trong chưa đầy 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới (từ năm 1986), Việt Nam đã đạt những thành tựu rất ấn tượng.

Theo giáo sư, việc thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ khoảng 200 USD lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2024 đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc. Việt Nam có một nền kinh tế mạnh mẽ và kiên cường, chưa từng chứng kiến bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính lớn.

Việt Nam đã nổi lên là địa điểm rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp lớn, đối với các tập đoàn đa quốc gia. Đó là lý do tại sao vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD (số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam tính đến ngày 31/10) và Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Việt Nam gần đây đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Lowy đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế vượt trội, vượt qua nhiều cú sốc, thể hiện khả năng phục hồi tuyệt vời sau đại dịch COVID-19.

Giáo sư Marwah nêu một số lý do Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đó là Việt Nam đã ký kết hàng hoạt hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia và quá trình chuyển đổi mục đích kinh tế cũng rất nổi bật. Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiện Việt Nam có 8 kỳ lân (những doanh nghiệp có mức định giá trên 1 tỷ USD). Nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động rất tốt trong năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm sau.

Bên cạnh nền tảng phát triển kinh tế ổn định, Giáo sư Marwah dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ gặp những thách thức riêng. Thứ nhất là mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ và khả năng chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump về tăng thuế xuất - nhập khẩu.

Thứ hai là việc gỡ “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu.

Thách thức thứ ba là vấn đề đảm bảo năng lượng, khi Việt Nam đã và đang là nhà xuất khẩu năng lượng nhưng giờ đây sẽ trở thành nhà nhập khẩu năng lượng do mở rộng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp.

Thứ tư là nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình nhiều hơn và do đó cần nhiều lao động có kỹ năng hơn, đặc biệt trong bối cảnh nước này có lợi thế về lao động giá rẻ.

Cuối cùng, theo Giáo sư Marwah, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nông sản do còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng này, đồng thời chú trọng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Về đối ngoại, Giáo sư Ấn Độ nhấn mạnh Việt Nam đã thiết lập quan hệ hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không chỉ với Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ mà còn với nhiều quốc gia khác. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục đón nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình … Điều này một lần nữa cho thấy vai trò của Việt Nam ngày càng được chú trọng và nâng cao trên trường quốc tế.

Ngọc Thúy – Quang Trung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoc-gia-an-do-an-tuong-voi-thanh-tuu-phat-trien-cua-viet-nam/356421.html
Zalo