Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 18/12, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm, chúc mừng Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn đại biểu thành phố với các hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn đại biểu thành phố với các hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Ðồng chí Bùi Thị Minh Hoài trân trọng cảm ơn những đóng góp của Hội Cựu chiến binh thành phố cũng như những cống hiến, hy sinh của các đồng chí cựu chiến binh Thủ đô cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc; biểu dương, đánh giá cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của lực lượng vũ trang Thủ đô trong năm 2024.

Tiếp nối truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô hôm nay luôn là chỗ dựa tin cậy của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng Công an thành phố với vai trò nòng cốt, quan trọng đã phối hợp với các lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn hơn 2.000 sự kiện diễn ra trên địa bàn trong năm 2024.

Trong năm 2024, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được Bộ Quốc phòng biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao; tham gia ứng phó thiên tai, bão lũ, bảo vệ nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; tham mưu tổ chức hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chính sách quân đội, hậu phương quân đội...

Ðồng chí Bùi Thị Minh Hoài gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô, chúc các đồng chí tiếp tục nỗ lực phấn đấu tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Thủ đô, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh “Người chiến sĩ Thủ đô” cao đẹp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

* Sáng 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 484/QÐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Phó Thủ tướng đánh giá, đây là cuộc điều tra có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, rất thiết thực, quan trọng, thu thập thông tin từ nhiều loại đơn vị điều tra, với nhiều nội dung phức tạp và các đơn vị đã thống nhất cao về tầm quan trọng của cuộc điều tra, những mục tiêu cần đạt được và khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Do tính chất quan trọng, quy mô, tầm vóc của cuộc tổng điều tra, từ nay đến thời điểm triển khai trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phải làm tốt khâu chuẩn bị, tuyên truyền và thông báo tới các đơn vị tham gia cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch thực hiện, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; xây dựng trang web của Tổng cục Thống kê để làm tốt việc tuyên truyền, phục vụ tìm kiếm tài liệu thống kê, cung cấp biểu mẫu,...

* Chiều 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mekong Việt Nam năm 2024. Kết luận hội nghị, nêu rõ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong, cũng như các sông xuyên biên giới, đều liên quan tài nguyên nước, Phó Thủ tướng cho rằng, những cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu, thiết lập hệ thống quan trắc chung, tham vấn khi triển khai các dự án trên dòng chính, điều tra đánh giá tác động của các công trình thượng nguồn đối với hạ nguồn… có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình có sự đan xen về bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, da dạng sinh học... với lợi ích, ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, Ủy ban cần thành lập những tổ công tác do các bộ chuyên ngành chủ trì nhằm kiến nghị, đề xuất các giải pháp về thể chế, kỹ thuật trong quá trình thực hiện hợp tác trên các lưu vực sông xuyên biên giới. Thời gian tới, Ủy ban cần tiếp tục duy trì, mở rộng, làm sâu sắc thêm các cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiện nay về chia sẻ dữ liệu, quan trắc, môi trường, kinh tế-xã hội; bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân,...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-post851283.html
Zalo