Hoàn thiện pháp luật thời công nghệ: Nhân dạng kỹ thuật số có là tài sản pháp lý?

Trong kỷ nguyên 4.0, thông tin nhân dạng kỹ thuật số như giọng nói, hình ảnh, dữ liệu sinh trắc học hay thói quen trực tuyến ngày càng mang giá trị kinh tế, tiềm năng trở thành một loại 'tài sản số'. Thế nhưng, ở góc độ pháp lý, 'nhân dạng kỹ thuật số có được xem là tài sản pháp lý hay không' là một vấn đề rất phức tạp, khi vừa mang tính chất của tài sản có thể khai thác thương mại, vừa gắn chặt với quyền nhân thân, danh dự và quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Nhân dạng kỹ thuật số còn bao hàm toàn bộ các dấu vết điện tử mà mỗi cá nhân để lại trên không gian mạng. (Ảnh: Getty Image)

Nhân dạng kỹ thuật số còn bao hàm toàn bộ các dấu vết điện tử mà mỗi cá nhân để lại trên không gian mạng. (Ảnh: Getty Image)

Dữ liệu cá nhân có giá trị kinh tế nhưng không phải tài sản pháp lý?

Trong thời đại số, khái niệm “nhân dạng kỹ thuật số” (digital identity) đã và đang được tranh luận rộng rãi trên môi trường pháp lý quốc tế, nhưng vẫn còn khá mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật AI (AI Act) để quản lý các hệ thống AI có nguy cơ cao, tuy có nhắc đến “nhân dạng kỹ thuật số”, nhưng chưa coi đây là tài sản pháp lý có thể sở hữu, giao dịch hay được bồi thường khi bị xâm phạm.

Ở góc độ công nghệ, nhân dạng kỹ thuật số là tập hợp đa dạng các dữ liệu cho phép nhận diện một cá nhân trên môi trường số, bao gồm khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ, cách di chuyển, thói quen giao tiếp, hồ sơ mạng xã hội… Không dừng lại ở các thông tin cá nhân cơ bản, nhân dạng kỹ thuật số còn bao hàm toàn bộ các dấu vết điện tử mà mỗi cá nhân để lại trên không gian mạng, như tên đăng nhập, email, số điện thoại, hình ảnh, video, dữ liệu sinh trắc học, thói quen duyệt web, vị trí địa lý hay các tương tác trên mạng xã hội… Tất cả những dữ liệu này, khi kết hợp lại, tạo nên một “chân dung số” hoàn chỉnh, có thể trực tiếp nhận diện hoặc giúp xác định danh tính của một cá nhân cụ thể.

Trong nền kinh tế số, các yếu tố như hình ảnh, giọng nói hay dữ liệu cá nhân đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nhóm đối tượng, từ nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng (influencer) cho tới người dùng thông thường. Mặt khác, thói quen lướt web của mỗi cá nhân, dù chỉ là lịch sử tìm kiếm hay thời lượng truy cập vào từng trang, cũng mang giá trị kinh tế đáng kể vì có thể phản ánh hành vi tiêu dùng, sở thích và nhu cầu cá nhân. Thực tế, các tập đoàn công nghệ như Google hay Facebook đã biến nguồn dữ liệu hành vi này thành lợi nhuận khổng lồ thông qua việc phân tích và bán dữ liệu phục vụ cho các chiến dịch quảng cáo được nhắm trúng đối tượng.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026) định nghĩa “dữ liệu cá nhân” là dữ liệu số hoặc thông tin dưới dạng khác xác định hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Như vậy, có thể hiểu rằng, toàn bộ những thông tin liên quan đến nhân dạng kỹ thuật số đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, vấn đề sâu xa hơn được đặt ra là: Liệu nhân dạng kỹ thuật số có được nhìn nhận là tài sản pháp lý không? Hiện nay, pháp luật Việt Nam nói chung, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nói riêng, chưa có quy định cụ thể về việc công nhận dữ liệu cá nhân nói chung và nhân dạng kỹ thuật số nói riêng, là tài sản pháp lý theo nghĩa truyền thống. Bộ luật Dân sự định nghĩa tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tức những thứ có thể định lượng, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, mua bán. Nhưng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không đề cập dữ liệu cá nhân như một loại tài sản sở hữu tuyệt đối. Thay vào đó, luật nhìn nhận dữ liệu cá nhân dưới góc độ quyền nhân thân, tức quyền của cá nhân đối với chính thông tin của mình.

Luật trao cho chủ thể dữ liệu cá nhân nhiều quyền rộng như: đồng ý hoặc không đồng ý xử lý dữ liệu, yêu cầu chỉnh sửa, xóa bỏ dữ liệu, hạn chế hoặc phản đối việc xử lý dữ liệu, đòi bồi thường nếu bị xâm phạm. Những quyền này mang nét tương đồng với quyền sở hữu ở chỗ cho phép cá nhân kiểm soát, định đoạt việc người khác sử dụng dữ liệu cá nhân. Nhưng dữ liệu cá nhân vẫn không phải là tài sản pháp lý, bởi nó gắn liền với nhân thân con người, không thể tách rời và không thể “bán đứt” như nhà đất, xe cộ.

Dù Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không công nhận dữ liệu cá nhân là tài sản, nhưng luật gián tiếp thừa nhận giá trị kinh tế của dữ liệu cá nhân. Ví dụ, Điều 7 liệt kê hành vi bị nghiêm cấm như mua, bán dữ liệu cá nhân (trừ khi luật cho phép). Điều 8 quy định mức phạt hành chính cho hành vi mua bán dữ liệu cá nhân có thể lên tới 10 lần khoản thu bất hợp pháp từ hành vi vi phạm, cho thấy dữ liệu cá nhân có thể định giá về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, việc dữ liệu cá nhân có giá trị kinh tế không đồng nghĩa với việc nó là tài sản pháp lý. Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nêu rõ: việc chuyển giao dữ liệu cá nhân, kể cả có thu phí, không được coi là hành vi mua bán tự do như tài sản thông thường. Dữ liệu cá nhân chỉ có thể chuyển giao trong những giới hạn rất chặt chẽ, dựa trên sự đồng ý của chủ thể hoặc quy định pháp luật cụ thể. Đặc biệt, ngay cả khi đã đồng ý, chủ thể vẫn có quyền rút lại sự đồng ý, yêu cầu xóa dữ liệu, điều này hoàn toàn khác với đặc điểm của tài sản dân sự có thể được chuyển nhượng dứt khoát.

Thêm vào đó, luật xác định dữ liệu cá nhân là yếu tố gắn liền với quyền riêng tư, danh dự, nhân phẩm - những giá trị thuộc nhân thân và được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Việc xâm phạm dữ liệu cá nhân không chỉ xử phạt hành chính, mà còn có thể bị xử lý hình sự hoặc bồi thường thiệt hại tương tự như xâm phạm các quyền nhân thân khác.

Khoảng trống pháp lý trước thách thức thời AI và blockchain

Thông tin về thói quen lướt web của mỗi cá nhân cũng tiềm ẩn nhiều giá trị kinh tế. (Ảnh: Adobe Stock)

Thông tin về thói quen lướt web của mỗi cá nhân cũng tiềm ẩn nhiều giá trị kinh tế. (Ảnh: Adobe Stock)

Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain phát triển mạnh mẽ, câu hỏi liệu nhân dạng kỹ thuật số có nên được coi là tài sản số ngày càng trở thành một vấn đề pháp lý cấp bách. Công nghệ blockchain tạo ra một cơ chế lưu trữ dữ liệu minh bạch, bất biến, phi tập trung, giúp cá nhân tự kiểm soát thông tin của mình thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các hệ thống tập trung dễ bị tấn công, rò rỉ.

Bên cạnh đó, công nghệ AI, nhất là công nghệ deepfake hay giọng nói tổng hợp, lại đang tạo ra những bản sao số cực kỳ tinh vi. Chỉ với vài bức ảnh hoặc vài phút ghi âm, AI có thể tái tạo hình ảnh, giọng nói giống thật tới mức khó phân biệt, tạo điều kiện cho hành vi mạo danh, lừa đảo hoặc xâm phạm danh dự cá nhân. Công nghệ blockchain hiện có thể giúp xác minh tính xác thực của dữ liệu, tạo ra chứng cứ điện tử không thể chỉnh sửa, giúp phát hiện và ngăn chặn deepfake. Tuy nhiên, bản chất phi tập trung và tính ẩn danh của blockchain cũng tạo ra lỗ hổng pháp lý, vì rất khó xác định danh tính và trách nhiệm của các bên thực hiện hành vi vi phạm.

Từ góc độ pháp lý, một số ý kiến cho rằng, nên cân nhắc ban hành quy định pháp luật công nhận nhân dạng kỹ thuật số là tài sản số. Nếu coi nhân dạng kỹ thuật số là tài sản số, thì cá nhân sẽ có quyền sở hữu, định đoạt và khai thác thương mại. Điều này giúp xác lập cơ sở pháp lý rõ ràng để yêu cầu bồi thường, xử lý vi phạm không chỉ dưới góc độ quyền nhân thân mà còn quyền tài sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại: bản chất nhân dạng kỹ thuật số gắn liền với quyền riêng tư, danh dự, nhân phẩm. Việc thương mại hóa quá mức có thể biến con người thành “hàng hóa số” và mâu thuẫn với nguyên tắc nhân quyền. Không phải mọi dữ liệu cá nhân đều nên hoặc có thể đem ra định giá, giao dịch tự do.

Tóm lại, nhân dạng kỹ thuật số vừa mang tính chất của tài sản có thể khai thác thương mại, vừa gắn chặt với quyền nhân thân, danh dự và quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Việc thừa nhận nó như một tài sản pháp lý đòi hỏi pháp luật phải xác định rõ giới hạn giữa quyền khai thác kinh tế và nghĩa vụ bảo vệ nhân phẩm, nhằm tránh nguy cơ “thương mại hóa quá mức dữ liệu cá nhân”, đồng thời bảo đảm quyền tự do cá nhân trong môi trường số. Có lẽ, một giải pháp dung hòa là công nhận giá trị kinh tế của nhân dạng kỹ thuật số nhưng vẫn đặt nó trong khuôn khổ quyền nhân thân được bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp để cân bằng lợi ích kinh tế với những giá trị đạo đức và nhân quyền cơ bản trong xã hội hiện đại. Đây là “bài toán” mà pháp luật các quốc gia, bao gồm cả pháp luật Việt Nam, sẽ phải tiếp tục đối mặt trong tương lai gần.

Đỗ Trang

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/hoan-thien-phap-luat-thoi-cong-nghe-nhan-dang-ky-thuat-so-co-la-tai-san-phap-ly-84563.html
Zalo