Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo đột phá cho lĩnh vực ghép tạng

Vừa qua, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), một người phụ nữ chết não do tai nạn giao thông đã để lại món quà vô giá khi đồng ý hiến tạng, nối tiếp sự sống cho 3 cuộc đời khác.

Ca phẫu thuật lấy tạng hồi sinh 3 người bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Nguồn: BVCC)

Ca phẫu thuật lấy tạng hồi sinh 3 người bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Nguồn: BVCC)

Từ nghĩa cử cao đẹp, hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối tại TP HCM và một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Huế đã được hồi sinh. Một lần nữa, kỳ tích y học lại được thực hiện nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Tại Việt Nam, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, được Quốc hội thông qua năm 2006, là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực y học mang tính nhân văn và tiên tiến. Nhờ hành lang pháp lý này, đến nay, nước ta đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng, xây dựng được mạng lưới 27 cơ sở y tế đủ năng lực kỹ thuật, từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật ghép phức tạp.

Tuy nhiên, sau 19 năm triển khai, Luật hiện hành đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác nhằm tạo đột phá cho một lĩnh vực y học đang mang lại cơ hội sống cho hàng nghìn người bệnh mỗi năm.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác” diễn ra mới đây. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chỉ ra một số vấn đề chưa được Luật hiện hành điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh đầy đủ, cụ thể như: Chưa có cơ chế tài chính đồng bộ cho toàn bộ chuỗi hoạt động hiến - lấy - vận chuyển - bảo quản - ghép; người dưới 18 tuổi chưa được phép hiến tạng, kể cả trong trường hợp có ý chí tự nguyện và sự đồng thuận của gia đình; quy trình chẩn đoán chết não - điều kiện tiên quyết để xác định khả năng hiến còn phức tạp, kéo dài, thiếu quy chuẩn dễ áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tỷ lệ hiến tạng từ người chết não còn rất thấp, trong khi hơn 90% số tạng được ghép hiện nay vẫn đến từ người hiến sống, gây ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý; quy trình đăng ký hiến tạng còn phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đề xuất các nội dung chính, gồm: Cho phép người từ 18 tuổi và người chết tim được hiến mô, tạng; đơn giản hóa điều kiện lấy mô, tạng; rút ngắn thời gian trong quy trình chẩn đoán chết não; thay đổi thứ tự ưu tiên trong tiếp nhận ghép tạng; xây dựng cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ phù hợp; không thương mại hóa hoạt động hiến, ghép; quy định về công bố danh tính người hiến; tôn trọng ý nguyện người hiến...

Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-tao-dot-pha-cho-linh-vuc-ghep-tang-post553650.html
Zalo