Họa sĩ Hoàng Hữu Trí - hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng tranh cổ động

Hơn 50 năm gắn bó cùng tranh cổ động, họa sĩ Hoàng Hữu Trí (trú xã Gia Hanh, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ lưu giữ ký ức một thời, mà còn tiếp tục truyền đi niềm tin, lý tưởng và giá trị nghệ thuật qua từng nét vẽ.

Trong căn nhà nhỏ ở làng quê của xã Gia Hanh (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc cũ), có một góc rất đặc biệt với rất nhiều tranh cổ động – rực khí thế và đượm mùi thời gian. Đó là “xưởng vẽ” đơn sơ của họa sĩ Hoàng Hữu Trí – người đã dành hơn nửa thế kỷ để đồng hành với tranh cổ động.

Sinh năm 1946 tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ (nay là xã Đức Thịnh, tỉnh Hà Tĩnh), họa sĩ Hoàng Hữu Trí đến với nghệ thuật như một sự sắp đặt của duyên trời và thời cuộc. Sau khi học lớp vẽ tranh cổ động ở tỉnh, rồi học tiếp ngành Đồ họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội), ông trở về quê hương công tác tại Phòng Thông tin cổ động, Ty Thông tin Hà Tĩnh.

 Ngôi nhà của họa sĩ Hoàng Hữu Trí như một "bảo tàng thu nhỏ" với tranh cổ động

Ngôi nhà của họa sĩ Hoàng Hữu Trí như một "bảo tàng thu nhỏ" với tranh cổ động

“Chúng tôi đạp xe hàng chục cây số, vẽ, treo tranh mọi nẻo đường làng, bờ đê, bức tường cổng chợ, lên bất cứ đâu có thể để chuyển đi một khẩu hiệu, một lời nhắn nhủ. Những bức tranh đó là lời cổ vũ chống Mỹ, là nhịp tim của Nhân dân”, ông Hoàng Hữu Trí nhớ lại.

Những bức tranh cổ động của họa sĩ Hoàng Hữu Trí không cầu kỳ về kỹ thuật, nhưng luôn có sức truyền cảm mạnh mẽ. Ông chọn đường nét thẳng, bố cục rõ ràng, màu sắc nổi bật – đúng tinh thần “trực quan sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo”. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người dân Gia Hanh vẫn còn nhớ như in bức tranh ông từng vẽ trên tường thôn Lương Hội.

“Khoảng những 70, người dân Lương Hội chúng tôi đều thuộc làu câu khẩu hiệu trên bức tranh tường mà ông Trí vẽ để cổ vũ tinh thần lao động: Chuồng ta hai lợn đầy phân – Đồng ta năm tấn đầy sân thóc vàng. Đến nay, nhiều người vẫn còn nhắc lại” - ông Trần Văn Sự, Bí thư Chi bộ thôn Lương Hội, xã Gia Hanh chia sẻ.

 Họa sĩ Hoàng Hữu Trí và ông Trần Văn Sự (bên phải) nhớ về những chuyện xưa

Họa sĩ Hoàng Hữu Trí và ông Trần Văn Sự (bên phải) nhớ về những chuyện xưa

Mỗi chuyến đi, mỗi đợt tuyên truyền trong những năm kháng chiến đều để lại trong họa sĩ Hoàng Hữu Trí những kỷ niệm sâu sắc. Có lần, trong một trận bom Mỹ dội xuống vùng Đức Thọ hòng phá hủy tuyến đường sắt, chứng kiến những ác liệt của chiến tranh, ông cùng đội tuyên truyền phải trèo lên cây, để đưa các thi thể bị mắc lại trên cao về an táng.

Không cầm súng, nhưng cũng không đứng ngoài cuộc chiến. Chính những khoảnh khắc ấy khiến người họa sĩ thêm vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã chọn – dùng nghệ thuật để cổ vũ tinh thần, khơi dậy ý chí, dựng nên niềm tin giữa khói lửa chiến tranh.

 Tranh cổ động của họa sĩ Hoàng Hữu Trí

Tranh cổ động của họa sĩ Hoàng Hữu Trí

Trong rất nhiều đề tài sáng tác, có một hình tượng lớn, một nguồn cảm hứng lớn lao luôn xuyên suốt trong các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Hữu Trí, đó là hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Dẫu chưa một lần được trực tiếp gặp Bác, nhưng cũng như bao người Việt Nam khác, tình cảm của ông dành cho Người như một lẽ tự nhiên vốn có tự bao giờ... Hình thành từ những lần được nghe, được xem, đọc những câu chuyện kể về Người.

Ngoài việc thể hiện khả năng nghệ thuật, chủ đề tư tưởng, trong mỗi tác phẩm của họa sĩ Hoàng Hữu Trí luôn thể hiện tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Nhiều tác phẩm tranh cổ động của ông đã tham gia trưng bày và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, triển lãm do Trung ương và các tỉnh, khu vực tổ chức. Gần đây nhất, ông giành giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đợt II, giai đoạn 2023 – 2025.

“Tranh cổ động là thể loại khó, ít nghệ sĩ trẻ mặn mà. Với họa sĩ Hoàng Hữu Trí thì đó là niềm đam mê và ông đã ghi dấu ấn, con đường riêng của mình trong tranh cổ động. Đặc biệt những bức tranh ông vẽ về Bác Hồ có giá trị tư tưởng, truyền đi những thông điệp tích cực đến với mọi người”. Họa sĩ Nguyễn Văn Dương – Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

 Họa sĩ Hoàng Hữu Trí trò chuyện về tranh cổ động cùng cháu gái

Họa sĩ Hoàng Hữu Trí trò chuyện về tranh cổ động cùng cháu gái

Trong thời đại mới, dù công nghệ thay đổi cách con người tiếp cận hình ảnh, nhưng tranh cổ động – với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ và tinh thần – vẫn vẹn nguyên sức sống. Và trong hành trình ấy, họa sĩ Hoàng Hữu Trí tiếp tục truyền đi những thông điệp về lý tưởng sống, lòng yêu nước và niềm tin thời đại qua từng bức tranh cổ động.

 Tranh cổ động của họa sĩ Hoàng Hữu Trí

Tranh cổ động của họa sĩ Hoàng Hữu Trí

Đặng Thắm

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/hoa-si-hoang-huu-tri-hon-nua-the-ky-gan-bo-cung-tranh-co-dong-post291998.html
Zalo