Hoa Kỳ khởi xướng điều tra kép với sản phẩm bê tông cốt thép Việt Nam

Hiệp hội Thép cốt bê tông Hoa Kỳ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối 10 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm bê tông cốt thép sang thị trường này...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, ngày 4/6/2025 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận được đơn khiếu nại của Hiệp hội Thép cốt bê tông Hoa Kỳ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm bê tông cốt thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Đến ngày 25/6/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra kép với thép cốt bê tông nhập khẩu từ Algeria, Bulgaria, Ai Cập và Việt Nam.

Sản phẩm bị đề nghị điều tra là sản phẩm thép cốt bê tông chủ yếu thuộc mã HS 7213.10.0000, 7214.20.0000 và 7228.30.8010. Sản phẩm cũng có thể được nhập khẩu theo các mã HS 7221.00.0017, 7221.00.0018, 7221.00.0030, 7221.00.0045, 7222.11.0001, 7222.11.0057, 7222.11.0059, 7222.30.0001, 7227.20.0080, 7227.90.6030, 7227.90.6035, 7227.90.6040, 7228.20.1000, và 7228.60.6000.

Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp. Đơn kiện nêu tên 10 doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra.

Thời kỳ điều tra chống bán phá giá đề xuất: 01/10/2024 - 31/3/2025. Thời kỳ điều tra chống trợ cấp đề xuất là năm 2024. Thời kỳ điều tra thiệt hại đề xuất 3 năm (2022-2024)

Theo số liệu do nguyên đơn trích từ nguồn của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2024 đến tháng 3 năm 2025, Việt Nam xuất khẩu lần lượt khoảng 78,663 tấn sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm 8,2% thị phần nhập khẩu.

Các quốc gia bị đề nghị điều tra chống bán phá giá laÀlgeria, Bulgaria, Ai Cập và Việt Nam. Các quốc gia bị đề nghị điều tra chống trợ cấp là Algeria, Bulgaria và Việt Nam.

Biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 117.61%

Tương tự như các vụ việc gần đây, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.

Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Ai Cập là quốc gia thay thế do cho rằng Ai Cập có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất bị điều tra.

Đối với cáo buộc trợ cấp, nguyên đơn không đưa ra cáo buộc với biên độ trợ cấp.

Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu thép cốt bê tông Việt Nam đã nhận được 39 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.

Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc thuộc các nhóm: Các chương trình cho vay (9 chương trình), gồm các chương trình Cho vay chính sách của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách, hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, bao thanh toán của Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (SOCBs), bảo lãnh xuất khẩu của SOCBs, cho vay ưu đãi của SOCBs, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cho vay ưu đãi cho các chương trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cho vay hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (11 chương trình): gồm các chương trình về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong các khu vực đặc biệt, cho doanh nghiệp xuất khẩu, cho dự án đầu tư cũ, cho dự án đầu tư mới, cho một số ngành cụ thể, cho các dự án đầu tư lớn và R&D...

Nhóm các chương trình miễn và hoàn thuế nhập khẩu (7 chương trình): miễn/hoàn thuế nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, miễn thuế cho hàng vào khu công nghiệp, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế xuất/khu chế xuất, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, miễn thuế nhập khẩu cho các Dự án của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, và miễn các loại thuế khác liên quan đến linh kiện, vật tư sản xuất.

Nhóm các chương trình ưu đãi về đất (05 chương trình): Bao gồm miễn hoặc giảm tiền thuê đất, miễn thuế sử dụng đất cho các ngành được khuyến khích, miễn tiền thuê đất cho Dự án của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, miễn tiền thuê đất cho các ngành nghề đủ điều kiện khác, miễn/giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, hay khu vực đặc biệt.

Nhóm các chương trình tài trợ (3 chương trình): gồm các chương trình xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ theo Nghị định 118/2015.

Kết luận sơ bộ với vụ việc chống bán phá giá dự kiến ngày 12/11/2025; vụ việc chống trợ cấp dự kiến ngày 28/8/2025.

Trước vụ việc trên, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra. Phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp và Chính phủ xử lý vụ việc.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao nhất cho doanh nghiệp...

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoa-ky-khoi-xuong-dieu-tra-kep-voi-san-pham-be-tong-cot-thep-viet-nam.htm
Zalo