Hóa giải khó khăn triển khai Chương trình mới
Là năm học thứ 3 thực hiện chương trình GDPT 2018, thầy trò các nhà trường đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt hiệu quả trong dạy và học.
Chú trọng khâu lựa chọn sách
Thầy Đào Văn Duẩn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực (Nam Định) cho biết, toàn trường có 33 lớp với tổng số 1.373 học sinh. Là năm đầu tiên thực hiện Chương trình SGK lớp 10 mới, nhà trường đã chọn các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều và bám sát Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT về triển khai Chương trình GDPT 2018.
Cũng giống nhiều địa phương, nhà trường gặp phải một số khó khăn nhất định về sân chơi bãi tập. Nhân lực thì đảm bảo về số lượng, nhưng lại thiếu giáo viên biên chế các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Việc xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lớp 10 lựa chọn thực hiện công khai theo Thông tư 36 của Bộ GD&ĐT về điều kiện giáo dục trước khi tuyển sinh. Sau đó, trường tư vấn để các em lựa chọn tổ hợp phù hợp với bản thân.
Theo lãnh đạo nhà trường, công tác lựa chọn SGK, trường áp dụng theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Dựa vào kế hoạch và danh mục SGK của tỉnh để lựa chọn sách phù hợp với đối tượng học sinh. Trường cũng làm hồ sơ công khai cho học sinh và phụ huynh biết. Đồng thời, triển khai việc tập huấn sách cho giáo viên theo lịch của Sở GD&ĐT Nam Định và tự bồi dưỡng.
Nhà trường vẫn đang thiếu thiết bị thí nghiệm, chưa có kinh phí để bổ sung thêm. Hiện trường đang có khoảng 80% học sinh lựa chọn tổ hợp tự nhiên. Việc kiểm tra, đánh giá khi có nhiều tổ hợp cũng được tính toán kỹ và có sự luân phiên.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổ trưởng môn Lịch sử của trường chia sẻ: "Từ khi chuyển môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc với lớp 10, tôi cũng thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì bước đầu các cấp lãnh đạo và nhân dân xác nhận vị thế của môn Lịch sử. Lo ở chỗ làm sao để thu hút học sinh trong từng tiết dạy. Phương pháp dạy học phải chuyển từ tiếp cận kiến thức sang thúc đẩy năng lực học sinh trong bối cảnh các em vừa chuyển cấp từ lớp 9 lên bậc THPT".
Ngoài ra, cô Hương cho rằng, việc kiểm tra đánh giá làm sao để giảm việc ghi nhớ kiến thức, phát huy tư duy của học sinh cũng cần chú ý. Thay vì học thuộc, giáo viên sẽ cung cấp cho các em tư liệu và khai thác tư liệu liên quan. Đến nay, học sinh đã có tư duy nhất định, học Lịch sử không bị nhàm chán. Cô cũng đã áp dụng giao bài dự án cho học sinh học các lớp có lựa chọn môn xã hội. Các em tự thuyết trình trên cơ sở tư liệu đã được chuẩn bị về bài học.
Chủ động khắc phục khó khăn
Còn theo thầy Đoàn Văn Doanh – Tổ Vật lý, Công nghệ Trường THPT Nam Trực, sự sắp xếp kiến thức trong 1 môn học chưa hợp lý. Ở môn Lý - Hóa - Sinh, khi dạy thì cần phải có công cụ này trong Toán thì mới tiếp thu được kiến thức của Vật lý. Phải có phần bổ sung kiến thức về véc tơ, độ PH, Logarit. Nếu để học sinh tự tìm hiểu sẽ khó.
"Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất như thiết bị thí nghiệm đa số là cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện thầy trò vẫn đang cố gắng để đáp ứng được phần nào yêu cầu Chương trình mới. Khi kiểm tra đánh giá, đề có câu hỏi mở, hình ảnh sinh động để học sinh phát huy khả năng phán đoán, giải thích, điền khuyết… Kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình môn này của học sinh đạt từ 7,3 trở lên" - thầy Doanh trao đổi thêm.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Bính – huyện Vụ Bản (Nam Định), thầy Hiệu trưởng Trần Mạnh Chiến cho hay, toàn trường có hơn 750 học sinh, riêng khối 10 là 294 em. Trường đã tư vấn rất kỹ từ đầu năm với học sinh khi lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10. Thầy cô đã tuyên truyền để các em lựa chọn tổ hợp phù hợp bản thân.
"Toàn trường hiện có 5 giáo viên Tiếng Anh. Riêng môn Tin học, nhà trường chỉ có 1 giáo viên. Dù trường muốn có thêm 1 nhân viên phụ trách Công nghệ thông tin của trường nhưng vẫn chưa tuyển được do đồng lương thấp. Với môn Ngữ văn, học sinh học tác phẩm trong SGK nhưng khi ra đề kiểm tra, ngữ liệu có thể ở ngoài SGK. Về cơ bản, giáo viên tiếp cận nhanh với chương trình và phương pháp giáo dục mới. Đề kiểm tra kết hợp giữa 1 số câu hỏi trắc nghiệm và phần tự luận" - thầy Chiến cho biết thêm.
Để tháo gỡ khó khăn về thiết bị dạy học, thời gian qua, Sở GD&ĐT Nam Định đã phát động tới các nhà trường triển khai phong trào thiết kế đồ dùng học tập cho chương trình mới. Giáo viên chủ động tìm các nguồn sản phẩm sẵn có để làm đồ dùng phục vụ dạy học. Sau quá trình triển khai tích cực, trình độ về công nghệ thông tin của cả thầy và trò đều đã tăng lên rõ rệt. Từ đó, tạo đà để các nhà trường khắc phục khó khăn để triển khai tốt chương trình SGK mới.