Hòa chung nhịp đập đa phương, củng cố niềm tin song phương

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị BRICS mở rộng 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4-8/7 thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét với những kết quả thực chất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo" ngày 6/7. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo" ngày 6/7. (Nguồn: TTXVN)

Với gần 40 hoạt động tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 và các cuộc gặp với lãnh đạo Brazil, các nước, tổ chức quốc tế, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần nâng cao vị thế Việt Nam, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, bạn bè truyền thống.

Lấy chủ đề “Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn” Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có sự góp mặt của 35 nhà lãnh đạo, đại diện các nước thành viên, các nước đối tác và khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các định chế tài chính quốc tế. Đây cũng là lần đầu Việt Nam tham dự với tư cách nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị.

Thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương

Trong bối cảnh hiện nay, BRICS gặp phải nhiều thử thách về chiến lược kinh tế, thương mại, tài chính của khối. Những chính sách mang tính đa phương bị thách thức. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025, Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva so sánh tôn chỉ mục đích của khối với phong trào “không liên kết” thời Chiến tranh Lạnh. “BRICS là người thừa kế của Phong trào không liên kết. Chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, quyền tự chủ của chúng ta một lần nữa bị kiểm soát”, ông Lula da Silva nói.

Đóng góp tiếng nói của Việt Nam – một quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo” ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương cũng như khẳng định vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu.

Thủ tướng nêu bật các đề xuất quan trọng, thiết thực, đó là BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại hợp tác đa phương, kiên trì đối thoại, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế; tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; tiên phong phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ con người, chứ không thay thế con người.

Biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn thế giới, đòi hỏi sự chung tay và vào cuộc của tất cả quốc gia trên thế giới. Vì vậy, đây luôn là chủ đề nóng hổi tại các Hội nghị đa phương, từ Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 29, tháng 11/2024) cho tới Hội nghị cấp cao lần thứ ba của LHQ về đại dương (UNOC3, tháng 6/2025)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các hoạt động song phương tại Brazil như: Dâng hoa tại Bia kỷ niệm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Rio de Janeiro; thăm Câu lạc bộ bóng đá Vasco da Gama; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Brazil; tiếp xúc, làm việc với các giới, các doanh nghiệp hàng đầu của Brazil.

Tại Phiên thảo luận cấp cao về “Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu”, các nhà lãnh đạo cảnh báo nguy cơ chậm trễ, thậm chí là đảo ngược tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ; kêu gọi hợp tác toàn cầu để ứng phó khủng hoảng khí hậu, tăng cường quản trị y tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững; chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thu hẹp bất bình đẳng, tăng cường năng lực y tế cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Khẳng định “không có môi trường nào thay thế được Trái đất, không có hành trang nào quý giá hơn sức khỏe và tính mạng và không có điểm tựa nào vững chắc hơn điểm tựa con người”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cam kết của Việt Nam cùng BRICS và các nước nỗ lực hoàn thành các mục tiêu trung hòa carbon, cũng như đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác toàn cầu về môi trường, chống biến đổi khí hậu và y tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Inacio Arruda đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội nghị, nhấn mạnh Việt Nam là đối tác rất quan trọng của BRICS. Ông khẳng định, sự hiện diện của Việt Nam giúp BRICS gia tăng sức mạnh tại châu Á và trở thành cơ chế phối hợp không chỉ mang tính chính trị, mà còn thực chất trong triển khai các chương trình phát triển.

Tại các cuộc tiếp xúc, hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên, đối tác BRICS và các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam, cũng như sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Lula da Silva ngày 5/7. (Ảnh: Hoàng Hồng)

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Lula da Silva ngày 5/7. (Ảnh: Hoàng Hồng)

Phát huy điểm tương đồng, chung khát vọng phát triển

Sự trở lại của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới đất nước của vũ điệu samba mang ý nghĩa quan trọng khi đây là lần thăm thứ ba trong ba năm liên tiếp (từ 2023), diễn ra không lâu sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (tháng 3/2025). Điều này thể hiện quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt đang phát triển hết sức nồng ấm, tốt đẹp và mạnh mẽ.

Nêu bật ý nghĩa của các hoạt động hợp tác song phương tại Brazil trong bối cảnh hai nước đang là những người bạn tin cậy và quan trọng ở Nam bán cầu, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận định, chuyến công tác của Thủ tướng “tạo nên những màu sắc mới cho quan hệ Đối tác chiến lược, mở ra chương hợp tác mới, đáp ứng nhu cầu, mong muốn và lợi ích hai nước, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp”.

Trải qua chặng hành trình dài gần 25 giờ bay, mọi mệt mỏi dường như tan biến trước sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị và thân tình của lãnh đạo và nhân dân Brazil dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Nhiều báo, tạp chí và trang mạng lớn của Brazil như Planalto, Poder360, Intertelas, ConexaoTo đồng loạt đưa tin đậm nét về chuyến trở lại của “người bạn Việt Nam” từ bên kia bán cầu.

Dù cách xa về địa lý, Việt Nam và Brazil có nhiều điểm tương đồng, đều là những quốc gia năng động, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Brazil được coi là hình mẫu phát triển sáng tạo, là trung tâm kinh tế, tài chính, công nghiệp của Nam Mỹ, khối MERCOSUR, BRICS và thế giới, đồng thời là cầu nối giữa châu Á, ASEAN với Nam Mỹ. Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, khát vọng phát triển, được Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá là “hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững”, góp phần nâng cao tiếng nói và vị thế của các nước đang phát triển.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh không có mối quan hệ nào là hoàn hảo nhưng Brazil sẽ nỗ lực để “hoàn hảo nhất có thể” với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Brazil ủng hộ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam và khối MERCOSUR trong sáu tháng cuối năm 2025 trong nhiệm kỳ Brazil làm Chủ tịch MERCOSUR, cũng như FTA giữa Việt Nam và Brazil.

Hai bên thống nhất những định hướng lớn trong quan hệ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Nếu như cách đây hơn một thập kỷ, vào năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt 1,5 tỷ USD thì ngày nay con số này đã đạt gần 8 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch của Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực quan trọng này.

“Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh dấu thời khắc lịch sử đối với quan hệ giữa Brazil và Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Brazil xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, cũng như lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu phi-lê cá rô phi sang Brazil. Đây là minh chứng cho quan hệ hợp tác nông nghiệp chặt chẽ, tin cậy và cùng có lợi giữa hai nước, tạo động lực cho các bước tăng cường hợp tác trong thời gian tới”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil Luis Renato Alcantara Rua.

Điểm nhấn nổi bật của chuyến công tác lần này là hợp tác nông nghiệp, lĩnh vực được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm. Hai bên nhất trí ký Hiệp định bảo đảm an ninh lương thực, trong đó Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo giúp Brazil ổn định nguồn cung. Đặc biệt, với vị thế là hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất và nhì thế giới, Việt Nam và Brazil thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, hướng tới hình thành liên minh sản xuất, xây dựng sàn giao dịch, phát triển thương hiệu chung và nâng tầm văn hóa cà phê gắn với bản sắc mỗi nước.

Việt Nam và Brazil vừa công bố lô hàng cá tra, cá basa và cá rô phi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil, cùng lô thịt bò đầu tiên của Brazil xuất khẩu sang Việt Nam. Đây là những mặt hàng nông sản hai bên đã “cùng định hình, cùng cam kết và cùng thực hiện”, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại nông thủy sản thời gian tới. Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Lula da Silva ký tượng trưng vào lô hàng thịt bò và cá tra cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo, đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực đột phá trong quan hệ song phương.

Nhân dịp này, hai bên cũng ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có các bản ghi nhớ về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cùng nhiều thỏa thuận giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với tổng trị giá hàng trăm triệu USD.

Có thể khẳng định, các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị BRICS mở rộng 2025 và trong khuôn khổ chuyến thăm Brazil đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thiết thực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII; đồng thời là hoạt động đối ngoại quan trọng thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Phan Mích

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ho-a-chung-nhip-dap-da-phuong-cung-co-niem-tin-song-phuong-320518.html
Zalo