Hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ của tỉnh

Việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đẩy mạnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Xúc tiến thị trường khoa học công nghệ

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho hay: “Những năm gần đây, tỉnh ban hành 10 chương trình, kế hoạch liên quan KH&CN theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lợi thế của tỉnh đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển 52.487 triệu đồng triển khai Đề án nâng cao năng lực Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng..., bước đầu đáp ứng điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hình thành các tổ chức trung gian thị trường KH&CN. Tỉnh đã hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ 5.800 triệu đồng/32,669 tỷ đồng sản xuất sản phẩm lợi thế. Quỹ phát triển KH&CN 4,5 tỷ đồng được cơ quan điều hành hướng dẫn thủ tục vay vốn, quảng bá sản phẩm hàng năm cho doanh nghiệp”.

Thị trường khoa học công nghệ sẽ tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm đặc sản Bình Thuận

Cùng với đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư hoạt động nghiên cứu, ứng chuyển chuyển giao thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN liên quan phát triển thị trường KH&CN bình quân hàng năm 3,4 tỷ đồng/năm, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đã và đang triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo. Đã có 862 nghiên cứu chế tạo, đổi mới sáng tạo hình thành; trung bình mỗi doanh nghiệp có khoảng 4 giải pháp, sáng tạo. Bước đầu, hoạt động nghiên cứu sáng tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, hiệu quả ứng dụng cao, được thương mại hóa, góp phần giải quyết các nhu cầu cấp thiết về kinh tế, xã hội địa phương, làm tăng năng suất lao động.

Xuất khẩu thanh long sang thị trường New Zealand

Các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhận chuyển giao công nghệ, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp nhận 856 công nghệ (bình quân 3,7 công nghệ/doanh nghiệp). Trong đó, doanh nghiệp nhận chuyển giao từ nước ngoài 379 công nghệ, chiếm tỷ lệ 44,3%. Mặt khác, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển giao 5 công nghệ cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Các công nghệ chuyển giao thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: kỹ thuật vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến thực phẩm, đồ uống, môi trường, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… Qua hoạt động này cho thấy, doanh nghiệp của tỉnh có xu hướng nhận chuyển giao công nghệ trong nước nhiều hơn công nghệ nước ngoài vì có giá thành thấp hơn, phù hợp năng lực doanh nghiệp Bình Thuận vốn đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ.

Đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận.

Một số doanh nghiệp điển hình có đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị như Công ty TNHH Hải Nam đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, có nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo, ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận luôn chú trọng nâng cao chất lượng chế biến mủ thành phẩm, xây dựng thương hiệu; cải tiến dây chuyền chế biến sản xuất mủ đạt chất lượng, phù hợp nhu cầu khách hàng. Nhờ đổi mới công nghệ sản xuất tôm giống, Công ty Việt – Úc thành lập trang trại tôm giống khả năng sản xuất 15 tỷ cá thể tôm giống hàng năm. “Nhìn chung, tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại Bình Thuận ở mức trung bình so với cả nước. Hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn hạn chế, hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự diễn ra mạnh mẽ. So với nhu cầu thực tiễn, các thị trường khác, thị trường KH&CN trong tỉnh còn chậm phát triển. Việc phát triển thị trường KH&CN một cách mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh”, bà Mai Thanh Nga chia sẻ.

Nâng cao vai trò doanh nghiệp

Theo định hướng của UBND tỉnh những năm tới (2025, 2030), tỉnh có chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN; đẩy mạnh hợp tác viện, trường, doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Sở ngành chức năng điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN giữa viện, trường và doanh nghiệp. Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhất là các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên đối với một số lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng lợi thế, chủ lực của tỉnh. Sở ngành liên quan tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN; quảng bá thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo; lồng ghép với các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư theo cả hai phương thức trực tuyến, trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được giới thiệu, quảng bá.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ho-tro-phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-cua-tinh-120026.html
Zalo