Hồ sơ Pandora: Khả năng sẽ có thêm các tiết lộ nặng ký
ICIJ cho biết không loại trừ khả năng sẽ tiết lộ thêm về các kế hoạch đưa tài sản ra nước ngoài để trốn thuế của những người giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Hãng tin Sputnik News (Nga) dẫn thông báo của Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ngày 3-10 cho biết sẽ không loại trừ khả năng sẽ tiết lộ thêm về các kế hoạch đưa tài sản ra nước ngoài để trốn thuế của những người giàu có và quyền lực nhất thế giới trong những ngày, tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới. ICIJ cho biết tổ chức này đang xem xét qua 12 triệu tệp dữ liệu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố dựa trên các tài liệu. Chúng tôi dự định sẽ công bố trong vài ngày, vài tháng tới và có thể nhiều năm tới. Chà, đó là 12 triệu tệp tài liệu, vì vậy tôi chắc chắn rằng sẽ có nhiều câu chuyện hơn nữa" - người phát ngôn của ICIJ nói với Sputnik News.
Ngày 3-10, ICIJ đã công bố một báo cáo rò rỉ mới về những bí mật tài chính liên quan cáo buộc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài đối với hơn 35 đương kim và cựu nguyên thủ nhiều quốc gia, cũng như hơn 330 chính trị gia và quan chức trên toàn cầu.
“Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) của ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các “thiên đường nước ngoài” và 336 chính trị gia và quan chức cấp cao, bao gồm hơn một chục người đang phục vụ ở vị trí nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng nội các, đại sứ và những người khác.
ICIJ cũng để ngỏ rằng nhiều cái tên nổi bật mới có thể sẽ xuất hiện trong quá trình điều tra.
"Tôi không biết câu trả lời cho điều đó, điều đó phụ thuộc vào những gì chúng tôi sẽ khám phá. Điều tôi có thể nói với bạn là chúng tôi đã mất hai năm để tìm ra con số 35 (đương kim và cựu nguyên thủ quốc gia) mà chúng tôi hiện có. Chúng tôi có thể khám phá thêm nhưng chúng tôi vẫn chưa biết” - người phát ngôn nói thêm.
Hồ sơ Pandora là hồ sơ mới nhất trong một loạt vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu tài chính của ICIJ, từ LuxLeaks năm 2014, đến Hồ sơ Panama năm 2016 – vụ việc đã khiến thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson từ chức.
Tiếp theo là Hồ sơ Paradise vào năm 2017 và Hồ sơ FinCen vào năm 2020.
Điều tra "Hồ sơ Pandora" - với sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ các hãng truyền thông bao gồm The Washington Post, BBC và The Guardian - dựa trên việc rò rỉ khoảng 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới.