Hộ nhận khoán - 'cánh tay nối dài' trong bảo vệ rừng

Các đơn vị chủ rừng phải quản lý diện tích rừng rộng trong điều kiện nhiều khó khăn và thiếu biên chế, thì với vai trò của mình, những hộ nhận khoán đã đóng góp không nhỏ trong bảo vệ rừng…

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 23.600 ha rừng. Hầu hết rừng nơi đây thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, có lượng đông đặc cây rừng rất lớn, chỉ có phần nhỏ là phân khu phụ sinh thái. Dưới tán rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông còn là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, riêng thú có 32 loài, 7 loài chim và 15 loài bò sát. Vì thế, rừng nơi đây là vùng đệm sinh thái, có đa dạng sinh học cao, có vai trò đặc biệt quan trọng điều hòa khí hậu, ngăn xói mòn, cung cấp nguồn nước cho cả vùng hạ lưu sông La Ngà.

Hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng trên lâm phần được giao.

Hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng trên lâm phần được giao.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho biết, trên 95% diện tích đơn vị quản lý là rừng đặc dụng, rừng trồng chỉ chiếm chưa đầy 5%. Trữ lượng gỗ lớn, đa dạng sinh học còn tương đối nguyên vẹn, trong đó rừng nguyên sinh chiếm trên 70%. Với diện tích rừng phải bảo vệ lớn và trải rộng trên địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng phải tổ chức tuần tra, kiểm soát trong điều kiện nhiều khó khăn, phải đi bộ hàng chục cây số, vượt đèo dốc rất vất vả.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho hay, cùng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, trên lâm phần được giao quản lý, bảo vệ của ban còn có những hộ nhận khoán. Hiện trên lâm phần có 3 loại giao khoán, bao gồm giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao khoán từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, giao khoán theo chương trình mục tiêu bảo vệ rừng bền vững. Trên từng loại giao khoán, đơn vị đã xây dựng được một lực lượng với hàng trăm hộ nhận khoán thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Riêng đối với nguồn dịch vụ môi trường rừng có 157 hộ (bình quân 60 ha/hộ), từ chương trình mục tiêu có 92 hộ (100 ha/hộ). Họ là người bản địa, sống gần rừng, hiểu rừng nhất. Từ lâu, họ đã trở thành “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” bảo vệ rừng của đơn vị. Thực tế, họ sống gắn bó với rừng, bám rừng và coi rừng như máu thịt, tạo nguồn sinh kế.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông xảy ra 4 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 1 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ phá rừng và 2 vụ phá rừng trồng chưa thành rừng. Tất cả các vụ vi phạm đều được lực lượng chức năng cùng những hộ nhận khoán phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nên không để thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông sẽ tiếp tục công tác khoán bảo vệ rừng. Giao các trạm, chốt bảo vệ rừng và hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, vụ việc phức tạp với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”…

Hữu Phúc

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ho-nhan-khoan-canh-tay-noi-dai-trong-bao-ve-rung-382431.html
Zalo