Hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam thay đổi rõ rệt

Sáng 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh trực tuyến hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2024.

Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và BS CKII Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh tham dự.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).
Trong số ca nhiễm HIV mới, có đến gần 70% tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh và có đến gần 40% số nhiễm mới ở lứa tuổi 15 - 25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh tham dự mít tinh trực tuyến

Các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh tham dự mít tinh trực tuyến

Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Có hơn 2 triệu lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV cho hơn 176.000 bệnh nhân, duy trì hiệu quả điều trị methadone cho hơn 46.500 người. Các sáng kiến như cấp phát methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ.

Việc chuyển đổi số trong quản lý dịch đã đạt kết quả tích cực với hệ thống HIV-INFO và HMED triển khai trên toàn quốc. Số nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.

Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và nhanh chóng triển khai những sáng kiến mới, như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và chiến lược “Không phát hiện = Không lây truyền”...

Việt Nam cũng liên tục củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn những người sống chung với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đảm bảo quyền của người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.

Thống kê đến tháng 10/2024, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là 267.391 trường hợp; riêng trong 9 tháng năm 2024 đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm 2024 đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (chiếm 40%) và độ tuổi 30 - 39 (chiếm 27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 42,2%).

Trong mục tiêu 95 - 95 - 95, Việt Nam đã đạt 87% người biết tình trạng nhiễm HIV; 79% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Các đại biểu thuộc ngành y tế Lâm Đồng tham dự mít tinh

Các đại biểu thuộc ngành y tế Lâm Đồng tham dự mít tinh

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 triển khai trong phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 với chủ đề: Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Mục tiêu tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: Dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động: Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh việc tổ chức mít tinh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có thể tổ chức các hoạt động phối hợp để huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân. Tổ chức các sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức, truyền thông tạo nhu cầu đến với dịch vụ HIV/AIDS phù hợp tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng người dân. Tổ chức truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng do lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt. Tổ chức các sự kiện truyền thông về HIV/AIDS và các nội dung có liên quan tại các trường học, khu công nghiệp... nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ. Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp.

DIỆU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/hinh-thai-lay-nhiem-hiv-tai-viet-nam-thay-doi-ro-ret-3ec0be1/
Zalo