Hình ảnh sông nước trong đời sống người dân Quảng Ngãi
Là vùng đất không phải lắm sông, nhiều rạch như các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, nhưng sự hiện diện của 4 con sông lớn (Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu) cùng nhiều con sông nhỏ đã góp phần tạo nên dấu ấn sông nước trong đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng Ngãi.
Dấu ấn trong đời sống thường ngày
Thuở xưa, khi đường bộ chưa phát triển, những dòng sông là huyết mạch giao thông. Dọc theo dòng sông là các bến đò phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đôi bờ, cũng như hoạt động giao thương hàng hóa từ vùng đồng bằng lên miền núi.
Người dân cào don trên sông Trà Khúc. Ảnh: Ý THU
Trên sông Trà Bồng, các bến đò như bến Thủ, bến Trường, bến Củi, bến Đụn... trở thành nơi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đi từ bờ bắc sang bờ nam, từ Bình Sơn lên thượng nguồn Trà Bồng để giao thương hàng hóa. Dọc sông Trà Khúc có bến Tam Thương, Hà Nhai... thuở xưa tấp nập đò ngang, đò dọc đưa bạn ghe từ Thu Xà, Quán Cơm... lên Đồng Ké, Ba Gia, Cù Và...
Gắn bó với sông nước, với các chuyến đò trong suốt một khoảng thời gian dài, nên trong “lời ăn, tiếng nói” hằng ngày của người dân Quảng Ngãi, đã xuất hiện những từ ngữ mang đậm nét văn hóa sông nước. Điều thú vị là, những từ ngữ ấy, dẫu trải qua hàng thế kỷ vẫn được người dân sử dụng phổ biến đến tận ngày nay. Chẳng hạn như mỗi lần muốn đi nhờ xe, người Quảng Ngãi vẫn thường dùng từ đi “quá giang”. Dù rằng, ý nghĩa của từ “quá giang” là dùng để chỉ việc đi nhờ đò qua sông, vốn dùng trong lĩnh vực đường sông ngày trước. Cũng từ dấu ấn những chuyến đò dọc, ngang trên sông, mà người dân ở Quảng Ngãi ngày nay thay vì dùng từ “xe khách”, vẫn thường thuận miệng gọi là “xe đò”. Hoặc dùng những từ ngữ gắn bó với sông nước như: “Công việc ngập đầu”, “nhìn nhau đắm đuối”, “lanh như tép”, “rẻ như bèo”...
Đi vào ca dao, hò vè
Sông nước không chỉ hiện diện trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, mà còn được người dân đưa vào ca dao, tục ngữ và dân ca, dân nhạc. Những câu từ gắn bó mật thiết với các địa danh sông nước quen thuộc, với những cuộc hành trình xuôi ngược trên sông... đã tạo nên dấu ấn riêng của miền quê Quảng Ngãi.
Người dân chèo thuyền trên sông Phú Thọ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Trong ca dao, hình ảnh dòng sông Trà Khúc được người xưa dùng làm nhân chứng cho lời thề nguyền lứa đôi “Bao giờ rừng Thủ hết gai/ Sông Trà hết nước mới sai lời nguyền”. Dòng sông Đông Phước (Bình Sơn) chảy ngược, trở thành hình ảnh để người xưa ví von với tình yêu làm nên sức mạnh vượt qua nhiều trở ngại trong cuộc sống: “Nước sông Đông Phước chảy ngược Liên Trì/ Thương anh em chẳng quản gì gian lao”...
Những năm tháng chèo đò từ hạ lưu lên thượng lưu và ngược lại để bán buôn, trao đổi hàng hóa, người dân Quảng Ngãi xưa đã sáng tạo nên rất nhiều điệu hò gắn liền với sông nước. Nhắc đến điệu hò chèo thuyền sông Trà Bồng, ông Tô Văn Năm, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) khẽ ngân nga: “Em chèo thuyền trên sông Trà Bồng, em ngó lại quê mình/Chim trên cành còn đủ đôi, đủ cặp, cớ chi mình lẻ đôi/ Vì đâu mà đây với đó mỗi nơi, chiếc đò ngang bằng chiếc đũa không một lời gởi đưa/ Cây đa bến cũ con đò xưa, người thương mà có nghĩa thì nắng mưa em vẫn chờ”...
Ngoài hò chèo thuyền, hình thức hò đối đáp với các hình ảnh đặc trưng vùng sông nước cũng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của những người chèo ghe, khách thương hồ xứ Quảng ngày trước. Những câu hò đối đáp mộc mạc, bình dị từng văng vẳng trên sông nước ngày xưa, vẫn luôn được các thế hệ người xứ Quảng gìn giữ, truyền miệng đến bây giờ: “Anh về tìm vảy con cá trê/ Tìm gan con tôm sú, tìm mề con lươn/ Bao giờ con bún nọ có xương/ Dây tơ hồng có rễ, thiếp mới thương đặng chàng”, "Anh về tìm gan con dế dũi/ Tìm tuổi con bồ hong, tìm lòng con ong sắt/ Tìm nước mắt con chuột vàng/ Dẫu cho trăm nỗi gian nan/ Thì anh mới gá nghĩa đồng sàn cùng em"...