Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trên đồng ruộng mùa nước nổi
ĐTO - Vào mùa nước nổi, thay vì canh tác vụ 3 với nguồn thu nhập duy nhất từ cây lúa, hiện nay, nông dân vùng đầu nguồn còn linh hoạt khai thác lợi thế nuôi trữ cá đồng tự nhiên mang lại nguồn thu nhập khá.

Mô hình nuôi cá trên đồng ruộng mùa nước nổi mang lại hiệu quả cao cho nông dân vùng biên giới Hồng Ngự
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thọ), thời gian qua thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp lúa, cá, vịt trên cùng một cánh đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, trong giai đoạn đầu sau sạ, thả vịt trên đồng sẽ ăn hoặc làm rơi xuống nước các loại sâu, bướm, rầy, bọ trĩ, rệp sáp sẽ trở thành thức ăn cho cá, ếch, nhái. Vịt còn giúp kiểm soát cỏ dại hiệu quả, vì hạt mầm và lá cỏ là món ăn khoái khẩu của vịt. Chất thải của vịt và cá cũng là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa. Từ đó góp phần hạn chế việc phun thuốc hóa học, giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Vào mùa nước nổi, việc canh tác lúa đạt hiệu quả chưa như mong đợi nên Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến tiến hành nuôi trữ cá đồng, chờ khi nước rút thu hoạch. Năm nay, mẻ cá trữ được thực hiện trên diện tích 170ha của Hợp tác xã với nhiều loại như: mè vinh, rô phi... Nuôi trữ cá tự nhiên mùa nước nổi vừa mang lại nguồn thu vừa cung cấp phù sa cho đất.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến chia sẻ: “Việc thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn “lúa - cá - vịt” cho ra sản phẩm lúa, gạo hữu cơ, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đơn vị còn đưa mùa nước nổi vào khai thác du lịch sinh thái phục vụ du khách gần xa... Từ hoạt động du lịch và thu hoạch cá mùa nước nổi mang lại thu nhập khá cho nông dân”.
Trước đây, tại các vùng biên giới Hồng Ngự, mỗi khi đến mùa nước nổi, việc sản xuất vụ lúa thu đông mang lại hiệu quả chưa như mong đợi, nên nông dân thường bỏ đồng trống. Những năm qua, bà con bắt đầu tận dụng diện tích ruộng ngập nước để nuôi cá, mang lại hiệu quả cao.
Trên diện tích 5ha đất ruộng, anh Nguyễn Đức Trí ngụ phường An Bình thả nuôi hơn 120 ngàn cá rô phi thay vì bỏ đồng trống vụ 3. Theo anh Trí, sau khi thu hoạch lúa hè thu, từ ngày 18/4, anh tiến hành mua cá giống về thả trước trong mương vườn khoảng 1 tháng để cá làm quen với môi trường tự nhiên và cá đủ lớn trước khi thả ra ruộng. Cách làm này sẽ giúp hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt cá giống. Sau đó, đợi đến khi con nước lũ về ngập các cánh đồng lúa chét (lúa lên tự nhiên sau khi thu hoạch), anh bắt đầu thả cá giống ra ruộng để nuôi. Mô hình nuôi cá ruộng tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu vào thấp, đầu ra ổn định. Theo đó, nông dân chỉ tốn tiền mua cá giống và thức ăn vào giai đoạn thả cá trong mương vườn và tiền mua lưới cước bao xung quanh ruộng. Trong suốt quá trình thả nuôi, cá tự kiếm nguồn thức ăn trên ruộng như: rong rêu, rơm rạ, lúa chét của vụ trước và các loài côn trùng.
Anh Nguyễn Đức Trí cho biết: “Những năm gần đây, gia đình tôi không canh tác lúa vụ 3 mà chuyển sang thả nuôi cá, vừa hiệu quả lại ít tốn chi phí hơn so với sản xuất lúa vụ thu đông. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, cá sẽ được thu hoạch. Theo đó, nông dân không cần vệ sinh đồng ruộng, chỉ cần bơm nước ra là có thể gieo sạ vụ lúa đông xuân”.